Mở hàng quán trên vỉa hè hay kinh doanh bằng các phương tiện vận chuyển dưới lòng lề đường… với không khí bán buôn tấp nập là cảnh tượng diễn ra phổ biến hàng ngày trên nhiều tuyến đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chất lượng thực phẩm kinh doanh tại các các gánh hàng rong, hàng quán vỉa hè thì khó có thể kiểm soát và quản lý nên tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an toàn, dễ sinh bệnh, đặc biệt là thời điểm thành phố vào mùa nắng nóng.
Quà rong trước cổng trường không rõ nguồn gốc xuất xứ luôn thu hút các em học sinh đến mua. Ảnh: Trần Thanh Giang-TTXVN. |
Người dùng còn quá dễ dãi
Tại đường Điện Biên Phủ, chỉ riêng đoạn từ cầu vượt Hàng Xanh đến cầu Điện Biên Phủ có đến hàng chục hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong kinh doanh nhộn nhịp với những món ăn đa dạng như: bánh mì, bún xào, cơm tấm, bún bò, bánh cuốn, hủ tiếu, xôi, cà phê, nước giải khát… có giá dao động từ 10.000 – 25.000 đồng/phần. Điều đáng nói là trong không khí oi bức, nắng nóng đang bao trùm lên thành phố,thì thực phẩm tại các địa điểm kinh doanh này chỉ được bảo quản sơ sài, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa nói đến nguyên liệu hay phương thức chế biến có đạt tiêu chuẩn hay không.
Tương tự, tại các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng, Cách Mạng Tháng Tám, Hùng Vương hay những khu vực thường xuyên tập trung dân cư là trường học, công viên, bến xe, công trường xây dựng… các hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong kinh doanh tràn lan những món ăn đa dạng hình thức, phong phú chủng loại, màu sắc hấp dẫn nhưng chất lượng và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì chỉ có người bán mới biết. Mặt khác, vì không có chỗ bán cố định nên người kinh doanh phải mang hết các dụng cụ phục vụ dẫn đến nhiều hạn chế trong bảo quản thực phẩm. Hàng ngày vào giờ tan trường, chị Thanh Tâm lại tất bật với gánh chè trước cổng trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ nhu cầu ăn vặt của các học sinh, nhân viên văn phòng và khách vãng lai. Chị Thanh Tâm cho biết bảo quản mặt hàng này rất khó khăn, nhất là khi nắng nóng, thực phẩm nhanh bị ôi thiu. Về phía người tiêu dùng, anh Nguyễn Thiên Thơ, nhân viên văn phòng tại quận Bình Thạnh cho biết: Do không có điều kiện nấu ăn ở nhà nên thường xuyên sử dụng các thực phẩm, điểm tâm kinh doanh ở các hàng quán. Tiêu chí chọn địa điểm ăn uống của anh Nguyễn Thiên Thơ là sự giới thiệu của chủ quán, quan sát hình thức bảo quản thực phẩm và sau một vài lần ăn thử thấy ổn thì sử dụng thường xuyên.
Bên cạnh thực phẩm chế biến sẵn, các mặt hàng nước giải khát, thức uống vỉa hè cũng rất được ưa chuộng trong mùa nóng, điển hình như nước ép trái cây các loại có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/chai; sữa đậu nành, sữa bắp, sữa mè đen 12.000 - 15.000 đồng/chai... Tuy nhiên, những mặt hàng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sinh bệnh do dễ bị nhiễm độc từ nguồn nguyên liệu, dụng cụ và nước để pha chế đều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình, một trong những nguyên liệu được sử dụng phổ biến, có thể mang vi trùng và dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm là đá. Bên cạnh đó, nuớc uống vỉa hè có màu sắc bắt mắt, hương vị hấp dẫn, giá rẻ nhưng công thức chế biến thường phổ biến gồm mùi hương và màu hoá chất nên khó đảm bảo chất lượng, thậm chí có thể gây hại đến sức khỏe người sử dụng.
Nguy cơ rước bệnh vào người
Mặc dù nhiều người tiêu dùng đều nhận thức được thực phẩm, đồ ăn, nước uống khi di chuyển trên đường sẽ bị bụi bẩn, nhiễm khuẩn dẫn đến chất lượng giảm sút và dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao nhưng vẫn sử dụng thường xuyên. Lý giải nguyên nhân về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng: Do người tiêu dùng Việt Nam có thói quen ăn uống và tâm lý tiêu dùng dễ dãi, đồng thời các hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong vẫn tồn tại ở hầu hết các tuyến đường, gốc phố, ngõ hẻm nên rất tiện lợi trong mua bán. Hầu hết các hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong thường kinh doanh những món ăn nhanh, đơn giản và rẻ tiền, phù hợp với mức thu nhập của hầu hết người dân lao động.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, quản lý hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong là vấn đề được thành phố quan tâm và tích cực giải quyết trong nhiều năm nay nhưng vẫn còn vướng một số khó khăn nhất định. Điển hình, người kinh doanh hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong không bán ở một nơi cố định, nên khi dẹp ở địa bàn này thì họ lại di chuyển sang địa điểm khác. Mặt khác, những đối tượng này chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn, từ những nơi khác về thành phố tìm kế mưu sinh nên khó xử phạt hành chính mà chỉ nỗ lực khuyến khích, nhắc nhở và vận động họ chuyển đổi nghề khác.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa nhấn mạnh, bên cạnh sự nỗ lực kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và chủ động không sử dụng thực phẩm được kinh doanh tại các hàng quán vỉa hè, gánh hàng rong cũng như không tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại những điểm bán buôn tự phát.
Dưới góc độ dinh dưỡng, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các trường hợp ngộ độc thực phẩm khi ăn thức ăn đường phố sẽ cao hơn trong mùa nắng nóng, do trong thời điểm này vi khuẩn sinh sôi, phát triển rất nhanh. Vào mùa nóng nguồn ô nhiễm từ bụi bẩn gây ra sự thoái biến ở thực phẩm cao hơn bình thường rất nhiều.
Vì vậy trong trường hợp sử dụng thức ăn đường phố, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo: Người tiêu dùng cần lựa chọn những điểm bán thức ăn đường phố bằng cách quan sát thực tế như phải được bảo quản kỹ để tránh bụi, tránh ruồi muỗi, nhiệt độ bảo quản phải đảm bảo yêu cầu, nơi bán cách xa nguồn ô nhiễm. Về thời điểm mua thức ăn đường phố cũng cần chú ý vì có thể mua phải thức ăn thừa, những nơi có nhiệt độ bảo quản thực phẩm không tốt để đề phòng nguy cơ rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng.
Mỹ Phương - Hứa Chung (TTXVN)