Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về “điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cửa hàng ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” đã có hiệu lực nhưng nhiều người dân vẫn chưa biết, còn cơ quan chức năng thì vẫn “loay hoay” trong việc quản lý.
Người bán: “chưa biết, chưa nghe”
Thông tư 30/2012/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 20/1, tuy nhiên nhiều người bán hàng rong vẫn tỏ ra “thờ ơ”. Trên vỉa hè các tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Hồng Bàng (quận 5), Nguyễn Chí Thanh (quận 11) hay tại các cổng trường học, bệnh viện như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng 2, Hùng Vương, Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh)…, việc buôn bán hàng rong vẫn diễn ra tấp nập.
Dù có quy định, nhưng người bán vẫn vô tư bán hàng trong điều kiện kém VSATTP. |
Tại cổng Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (phường 12, quận 5), hàng chục quán hàng rong vẫn “bao vây” bệnh viện như: cháo, cơm, hủ tiếu và đủ các loại nước giải khát. Đa số các mặt hàng đều bày bán trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP): hàng hóa không được che đậy, bày gần thùng rác, gần cống thoát nước, người bán không sử dụng găng tay, thực phẩm không chứng thực nguồn gốc… Hầu hết thực khách phải ăn uống giữa muôn trùng khói bụi, xe cộ tấp nập qua lại. Ngay cạnh khu vực ăn uống là những đống bát, đũa chưa rửa và vài chậu nước rửa bát cáu đục, sủi váng mỡ đã dùng nhiều lần.
Khi được hỏi có biết về quy định mới trong biệc buôn bán hàng rong và thức ăn đường phố hay không, một chủ quán bán cơm tại đây vô tư: “Tôi vẫn chưa biết gì về quy định này”. Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã từng có quy định về người đăng ký kinh doanh hàng ăn phải có giấy chứng nhận sức khỏe, phải tham gia tập huấn về VSATTP, nhưng nghe chúng tôi hỏi, người bán “tỉnh queo” trả lời: “Tôi bán hàng ở đây 4 năm nay có nghe nói tới phải đi tập huấn gì đâu? Cứ mở cửa hàng ra là bán thôi, khi nào đô thị dẹp thì mình chạy. Ở đây ai cũng như ai, làm gì có vụ đi khám sức khỏe, rồi tập huấn về bán hàng rong, mà đi mấy cái đó mất thời gian lắm”.
Có hàng trăm, hàng ngàn các mặt hàng rong với nhiều nguyên liệu khác nhau nên việc xác minh nguồn gốc của nguyên liệu gây không ít khó khăn cho người bán cũng như các cơ quan quản lý. Chị Nguyễn Hoài Nhựt chuyên bán nước sâm, rau má..., gần trường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh), nói: “Tôi vẫn chưa biết gì về quy định này. Nhưng nếu có quy định là phải chứng minh được nguồn gốc của nguyên liệu thì rất khó đối với người bán mặt hàng nước giải khát như tôi. Bởi đối với các loại nước sâm được nấu từ lá cây mua ở ngoài chợ thì làm gì có hóa đơn, chứng từ. Còn rau má, nước dừa…, hái ở trên cây, mua ở nhà vườn thì lấy đâu ra chứng chỉ để chứng minh nguồn gốc”.
Khó kiểm soát
Thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh đặc thù không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà hầu hết các địa phương trong cả nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động ít vốn. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thức ăn đường phố tương đối cao vì thuận tiện và hợp túi tiền của đại đa số người dân có thu nhập thấp và dân nhập cư. Hiện chỉ riêng TP Hồ Chí Minh có khoảng 28.000 điểm bán thức ăn đường phố. Tuy nhiên, đó chỉ là những điểm kinh doanh mà các ngành chức năng có thể nắm được, vẫn còn rất nhiều các điểm kinh doanh di động, nhỏ lẻ chưa thể thống kê.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh, cho biết những nội dung trong Thông tư 30 của Bộ Y tế về “điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cửa hàng ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” đã được triển khai từ 4 - 5 năm nay, chẳng qua quy định mới này cụ thể hóa hơn. “Tuy nhiên, để quản lý được thức ăn đường phố quả thực rất khó. Bởi lâu nay người bán và người ăn vẫn chấp nhận ăn tại điểm bán hàng không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý được những điểm bán hàng cố định, còn những hàng rong rất khó quản lý bởi các hàng quán di chuyển, bán dạo, ngay cả nơi ở trọ cũng không cố định” - ông Hòa cho biết.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND phường 6, quận 5, cho biết: “Với quy định trước đây, phường vẫn thường xuyên kiểm tra nhắc nhở đối với những điểm kinh doanh hàng rong, thức ăn đường phố tuy nhiên phường vẫn chưa xử lý trường hợp nào. Còn đối với thông tư mới này, trước mắt chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hơn về quy định này. Sau Tết, chúng tôi sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra và xử phạt đối với những trường hợp vi phạm”.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, dù các loại hình kinh doanh này có khó quản lý nhưng để đảm bảo cho người tiêu dùng không bị ngộ độc mà vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương để quản lý chặt loại hình kinh doanh này hơn. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người bán hàng rong hiểu biết về VSATTP, UBND thành phố có chủ trương thực hiện miễn hoàn toàn chi phí tập huấn cho những người buôn bán. Các cá nhân bán hàng rong có thể liên hệ tại trạm y tế hoặc trung tâm y tế dự phòng ở phường, xã nơi cư ngụ để được biết về Thông tư 30. Chi cục cũng đang hoàn thiện dự thảo về đảm bảo VSATTP đối với thức ăn đường phố theo đề án của Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Bài và ảnh: Đan Phương
Trích: Các cá nhân bán hàng rong có thể liên hệ tại trạm y tế hoặc trung tâm y tế dự phòng ở phường, xã nơi cư ngụ để được biết về Thông tư 30.