Nước sạch mùa Hè ở Hà Nội: Vẫn thiếu nguồn cung - Bài 1

Cho dù đã bổ sung nguồn cung, cùng thực hiện nhiều giải pháp nhưng trong mùa Hè năm 2017, nỗi lo về thiếu nước sạch trong sinh hoạt vẫn hiện hữu ở Thủ đô; chưa hết, tình trạng người dân phải thức khuya dậy sớm để hứng, đợi nước sạch. Một Thủ đô chỉ thực sự văn minh hiện đại, khi nguồn cung cấp nước sạch trong sản xuất, sinh hoạt được đảm bảo.

Người dân phải hứng nước mưa để sinh hoạt do thiếu nước máy.

Khu dân cư “khát”


Dân số Hà Nội hiện nay không ngừng gia tăng. Chưa cần con số thống kê, chỉ điểm qua một số quận, huyện ngoại thành thời gian qua liên tục đưa vào sử dụng những khu chung cư, tòa nhà cao tầng với vài trăm hộ dân đến ở, đủ thấy lượng dân số tăng như thế nào.

Đó là chưa kể lượng người lao động tự do hàng ngày về Hà Nội làm việc, sinh sống. Kéo theo sự gia tăng dân số, đó là nhu cầu sử dụng nước sạch. Nhu cầu tăng chưa có điểm dừng, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng được, dẫn đến tình trạng "khát" nước tại một số khu vực trên địa bàn thành phố.

Nhiều chung cư, khu dân cư ở Hà Nội đang ở tình trạng "khát", thiếu nước, nước chưa đảm bảo. Đơn cử, thời gian gần đây một số hộ dân ở tổ 21, Lạc Trung B, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) phản ánh về tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt, nhiều người dân phải mua nước hay dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Hay như tổ dân phố 12, phường Mỗ Lao (quận Hà Đông) cũng liên tục diễn ra tình trạng mất nước.

Người dân cho biết, mỗi tuần họ phải chịu cảnh mất nước sinh hoạt 1 đến 2 lần. Để đối phó với việc mất nước, nhiều hộ dân phải mua nước với giá cao, đầu tư thêm hệ thống máy bơm, thùng chứa nước để dự phòng, tốn kém chi phí sinh hoạt. Không chỉ có những chung cư bình dân, nhà ở xã hội mà ngay cả khu đô thị cao cấp ở Hà Nội cũng than thở vì nước sinh hoạt không đảm bảo như cam kết của chủ đầu tư.

Do thiếu nước, nên nhiều hộ dân ở một số khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn Hà Nội đã phải dùng đến những nguồn nước không đảm bảo. Đó là khoan giếng tự phát, xử lý qua máy về lọc, mua nước ở những nơi không có chức năng cung cấp, phân phối.

Để đến khi sử dụng mới kêu trời vì hàm lượng asen trong nuớc vượt ngưỡng cho phép nhiều lần như ở Mỹ Đình, Gia Lâm. Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, do thiếu nguồn cung nên một số khu dân cư, khu đô thị bị liệt vào danh sách “trắng” hoặc có nguy cơ cao khi gặp sự cố đường ống nước sạch.

Đó là toàn bộ địa bàn với gần 700.000 nhân khẩu của công ty CP đầu tư & kinh doanh nước sạch Viwaco, tập trung tại các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Nam Từ Liêm.... Các quận trên chỉ có nguồn cung duy nhất là đường ống dẫn nước sông Đà; nên nếu gặp sự cố vỡ ống, sẽ mất nước hoàn toàn trên diện rộng.

Trên địa bàn của công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội còn tồn tại hơn 20 điểm đen có nguy cơ thiếu nước mùa Hè năm 2017. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm có khu vực: Chương Dương, Phúc Tân, phố Hàng Tre, Hàng Bồ, Lý Nam Đế, Hàm Tử Quan, Hồng Hà. Tại các quận khác, ở những khu vực cuối nguồn nếu có nước áp lực không mạnh, người dân vẫn phải chờ đợi vào lúc thấp điểm để lấy nước.

Hết công suất các nhà máy nước


Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng nguồn cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đạt khoảng 900.000 - 960.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn cấp từ 4 nguồn chính là: Nhà máy nước mặt sông Đà do công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco) quản lý có lưu lượng khoảng 233.000m3/ngày, đêm; sản lượng chủ yếu phân phối qua Công ty cổ phần Đầu tư & Kinh doanh nước sạch Viwaco.

Nguồn cấp từ các nhà máy nước ngầm do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội (Hawaco) quản lý với công suất khoảng 600.000m3/ngày, đêm. Nguồn từ 2 trạm cấp nước Hà Đông cơ sở 1 và cơ sở 2 do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông quản lý với công suất khoảng 50.000m3/ngày, đêm. Cuối cùng là nguồn từ 2 trạm cấp nước Sơn Tây 1 và 2 do Công ty cổ phần cấp nước Sơn Tây quản lý với công suất khoảng 23.500m3/ngày, đêm.

Việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố hiện nay do 4 đơn vị nói trên đảm nhiệm, đáp ứng nhu cầu của 923.000 khách hàng, khoảng 1.080.000 hộ gia đình, tương đương 4.374.000 nhân khẩu, bằng hơn 1/2 dân số Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu sử dụng nước sạch ở Hà Nội cao hơn nhiều. Nguyên do, lượng người dồn về Hà Nội lớn, kéo theo đó là nhu cầu ăn ở sinh hoạt. Cùng với đó, một loạt phòng trọ được mọc lên tại các quận ngoại thành.

Mỗi phòng có khoảng từ 2 - 4 thành viên, khiến cho nhu cầu sử dụng nước sạch khó kiểm soát đối với đơn vị cung cấp. Thế nên, để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho các hộ dân Thủ đô, tất cả các nhà máy kể trên đều hoạt động hết công suất, không có chế độ dự phòng. Do vậy, chỉ cần một sự cố nhỏ cũng khiến cho nhiều khu dân cư thiếu nước, khan nước. Việc khan nước, thiếu nước ở Thủ đô ngoài việc tăng gia tăng dân số cũng cần phải đề cập tới nguyên nhân từ đầu tư hạ tầng, quy hoạch phát triển mạng lưới cấp nước chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Hà Nội vẫn “lo ngay ngáy” thiếu nước sạch
Hà Nội vẫn “lo ngay ngáy” thiếu nước sạch

Thời gian qua, nhiều khu vực tại Thủ đô vẫn trong tình trạng “chạy nước từng bữa”. Việc thiếu nước sạch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân. Trong khi hệ thống cấp nước cũ chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân thì dự án nước sông Đà 2 vẫn chưa biết đến bao giờ mới được triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN