TP.HCM đang vào mùa cao điểm thiếu nước sạch do tình trạng xâm nhập mặn và cúp điện. Thế nhưng các biện pháp giảm tiêu hao, thất thoát nước của ngành cấp nước vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Cùng với Hà Nội, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ thất thoát nước sạch cao nhất nước, chiếm khoảng 40% (tỷ lệ trung bình cả nước 30%), bất chấp những nỗ lực hạn chế thất thoát nước sạch của ngành cấp nước.
Một cán bộ ngành cấp nước giải thích: Mạng lưới đường ống cũ mục, rỉ sét nên chỉ cần tăng áp lực nước là không chịu nổi, bị nứt, gãy liên tục. Điển hình, từ khi TP.HCM đưa vào vận hành 2 nhà máy nước lớn là nhà máy nước BOO Thủ Đức (công suất 300.000 m3 nước/ngày) và nhà máy nước Tân Hiệp (cũng có công suất phát nước 300.000 m3 nước/ngày) đã góp phần làm tăng lượng nước cung cấp cho thành phố, song cũng làm gia tăng áp lực nước lên hệ thống ống cấp nước, làm cho nhiều ống cấp nước cũ kỹ bị nứt, gãy, gây nên tình trạng thất thoát nước. Thêm vào đó, nạn đào đường liên tục gây xáo trộn kết cấu nền đất, làm tổn thương đường ống, các đoạn nối bị nứt, xì nhưng không được phát hiện kịp thời. Những điểm nứt, gãy ngầm rất khó phát hiện và thường khi được phát hiện thì đã làm thất thoát một lượng nước khá lớn.
Vào những tháng cao điểm mùa khô này, người dân đường Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8 là vùng cuối nguồn nên luôn phải thức trắng đêm để lấy nước. |
Thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5 là lúc cao điểm của khô hạn và nhiễm mặn, cùng với việc cắt điện luân phiên. Do đó, tình trạng thiếu nước, nước yếu ở một số khu vực sẽ xuất hiện khi các nhà máy nước có thể giảm sản lượng vài giờ trong ngày để bảo đảm chất lượng nước cung cấp cho người dân. |
Bên cạnh đó, tình trạng ăn cắp nước sạch bằng cách khoan thẳng vào mạng đường ống, lắp đặt ống riêng để sử dụng đã làm tăng tỷ lệ thất thoát nước và gây nguy hại cho đường ống chính. Nhiều vụ ăn cắp nước kéo dài trong nhiều năm, gây thiệt hại lớn cho ngành cấp nước nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện thì thiếu cơ sở pháp lý để xử lý mạnh tay đối với những trường hợp vi phạm.
Điều đáng lo ngại là mạng lưới cấp nước TP.HCM hiện có khoảng 30% (tương đương 700 km) các tuyến ống dẫn nước đã quá “già nua” trên 30 năm sử dụng cần phải thay thế. Tuy nhiên, để thay thế đoạn ống này thì cần nguồn vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng. Trong khi nguồn ngân sách cho đầu tư phát triển mạng lưới lại không đáng kể.
Nếu như năm 1999, tỷ lệ nước sinh hoạt thất thoát chiếm 34%, thì nay tỷ lệ này đã tăng đến trên 40%. Điều này có nghĩa, trong hơn 1.500.000 m³ nước sạch mà Tổng công ty cấp nước Sài Gòn sản xuất ra mỗi ngày thì có khoảng 600.000 m³ nước bị thất thoát (tương đương khoảng 4 tỷ đồng), bằng tổng công suất phát nước của nhà máy Tân Hiệp và nhà máy nước BOO Thủ Đức.
Năm 2011, TP.HCM phấn đấu tăng thêm tỷ lệ người dân được sử dụng nước máy lên 1%, nghĩa là có thêm 15.000 người dân được sử dụng nước máy. Tuy nhiên, nếu như TP.HCM quyết tâm hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ thất thoát thì tỷ lệ người dân sử dụng nước máy còn tăng thêm. Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình thất thoát nước tại TP.HCM trong thời gian tới tiếp tục gia tăng. Bởi lẽ, tỷ lệ nước thất thoát chủ yếu là do rò rỉ đường ống. Khi áp lực nước tăng 10% thì lượng nước cũng bị thất thoát 10%.
Một trong những giải pháp giảm thất thoát nước tương đối hiệu quả mà Tổng công ty cấp nước TP.HCM (Sawaco) đang thực hiện là khoanh từng vùng nhỏ để quản lý. Tại một số khu vực thuộc quận 6 do Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả, khi tỷ lệ thất thoát nước đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên giải pháp này đòi hỏi chi phí lớn và nguồn lực dồi dào để duy trì vận hành hiệu quả.
Bên cạnh đó, Sawaco còn phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để tìm ra nhiều giải pháp tốt nhất trong công tác đào đường phục vụ việc thi công lắp đặt hệ thống ống cấp nước mới cũng như xử lý tình trạng xì bể đường ống nhằm hạn chế mức độ thất thoát nước. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng không kéo giảm được tỷ lệ thất thoát nước sạch của thành phố xuống dưới 40%.
Sĩ Dũng