Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài, trong những ngày đầu tháng 9, Hà Nội và một số địa phương vẫn đang áp dụng việc giãn cách xã hội nên chất lượng không khí được cải thiện do hoạt động giao thông, sản xuất và xây dựng đều giảm mạnh.
Lúc 9 giờ ngày 31/8, ứng dụng VNAir (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận, trong số 49 điểm quan trắc ở miền Bắc có 14 điểm có chất lượng không khí ở mức màu vàng (trung bình-chấp nhận được) gồm 8 điểm ở Hà Nội, 1 điểm ở Lạng Sơn, 1 điểm ở Thái Nguyên và 4 điểm ở Bắc Ninh.
Trên bản đồ quan trắc chỉ số chất lượng không khí của ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố, do Công ty Cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), toàn miền Bắc phủ đầy màu xanh. Chỉ có hơn 20 điểm có màu vàng - mức chấp nhận được.
Ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) ghi nhận và biểu thị bằng nhiều màu sắc về chất lượng không khí ở miền Bắc.
Hiện tại, ngoài gam chủ đạo là màu xanh, vàng, đang xuất hiện nhiều hơn các điểm màu cam (ảnh hưởng tới sức khoẻ của những người nhạy cảm). Có 14 điểm màu đỏ (có hại cho sức khoẻ) tại Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Theo thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) của ứng dụng AirVisual, trong số 94 thành phố của nhiều quốc gia trên thế giới được quan trắc thì Hà Nội đứng thứ 16 với chỉ số AQI ở mức vàng (93).
Để cải thiện chất lượng không khí, tháng 6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường, có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 8/2021, và một số điều có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2022 phù hợp khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được triển khai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức kinh tế chuẩn bị thực hiện Kế hoạch đo kiểm khí thải cho khoảng từ 3.000 - 5.000 xe mô tô, gắn máy. Theo đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam sẽ chủ động đầu tư 8 bộ thiết bị đo khí thải và hỗ trợ nhân viên kỹ thuật tại 8 trạm cố định phục vụ người dân đến đo kiểm khí thải; thiết lập 34 điểm thu hồi và xử lý xe máy thải bỏ từ người dân. Người dân sẽ được hỗ trợ kinh phí tới 4 triệu đồng khi thải bỏ xe cũ để thay xe mới.
Hà Nội cũng đang thay thế và loại bỏ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đến nay, số lượng bếp than tổ ong tại Hà Nội đã giảm hơn 98%, thành phố đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào cuối năm 2021.