Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại làng Trát Cầu (huyện Thường Tín). Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Kinh phí là điều kiện tiên quyết, song với một hiện trạng đã nhiều năm đi vào thói quen sống của người dân thì để xử lý triệt cần lộ trình cụ thể với những biện pháp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa và đặc biệt là những chế tài đủ sức răn đe.
Cần đồng bộ trong xử lý ô nhiễmThời gian qua, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện triển khai xây dựng thí điểm mô hình xử lý nước thải tại làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức); thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai)…
Theo đánh giá bước đầu, các mô hình này đã mang lại những hiệu quả nhất định. Đây cũng là cơ sở để thành phố nhân rộng phương thức xử lý nước thải, rác thải tập trung tại các làng nghề với kỳ vọng từng bước cải thiện ô nhiễm môi trường do các làng nghề gây ra.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội Liên hội Phụ nữ Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng của thành phố cần phải đánh giá rõ hơn kết quả các dự án xử lý ô nhiễm đã triển khai. Theo đó, cần lập danh sách làng nghề nào có mức độ ô nhiễm nặng để ưu tiên đầu tư, áp dụng trước. Đối với những nơi đã triển khai, tiếp tục bổ sung các nguồn lực để vận hành hiệu quả, giám sát việc thực hiện, tránh dàn trải lãng phí.
Qua kiểm tra tại huyện Thanh Trì, ông Nguyễn Văn Cường, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Từ năm 2010, để cải thiện điều kiện sống cho người dân, UBND huyện đã đưa vào khai thác Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Tân Triều, vận động các hộ làng nghề truyền thống chuyển sản xuất kinh doanh ra khỏi khu dân cư. Cách làm này nhằm khoanh vùng ô nhiễm, hạn chế ảnh hưởng đến môi sinh của cộng đồng.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy, hạn chế của hình thức này là khả năng tài chính. Nhiều hộ do không đủ điều kiện kinh tế vẫn tiếp tục sản xuất ở làng nghề cũ, khiến tình trạng ô nhiễm không thể khắc phục triệt để. Mặt khác, ngay cả đơn vị quản lý khai thác Cụm sản xuất làng nghề mới này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Xây dựng mặc dù đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng đến nay việc vận hành vẫn còn khó khăn, chưa bảo đảm yêu cầu thông cống rãnh thoát nước.
Tương tự, tại huyện Gia Lâm, khó khăn lớn nhất hiện nay là các làng nghề phát triển theo hướng tự phát, sản xuất của các hộ gia đình mang tính chất tập thể, làng xã từ lâu đời nên việc chuyển địa điểm sản xuất mới tốn kém. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải bảo đảm môi trường còn hạn chế và liên quan đến kinh phí nên phần lớn các hộ chưa thực hiện, đặc biệt vẫn còn quan điểm là làng nghề thì cùng chịu chung.
Theo kiến nghị của Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, với những tồn tại, bất cập tại 10 xã có làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện, cần tăng cường chế tài xử lý đối với các hộ gia đình, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Ông Thuần cũng đề xuất thành phố đầu tư cải tạo hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bát Tràng, bao gồm cả trạm xử lý nước thải trong khu dân cư và trạm xử lý nước thải trong khu làng nghề Kiêu Kỵ.
Sửa chính sách, tăng chế tài
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hà Nội cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm. Đến giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Cùng với việc đầu tư bằng kinh phí Nhà nước, thành phố đang khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khơi dậy phong trào và vận động người dân tham gia xây dựng các công trình nhà vệ sinh.
Đối với khu vực nông thôn, thành phố khuyến khích người nông dân đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Các hộ gia đình cần kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi với nhà vệ sinh và hầm khí Biogas. Thành phố yêu cầu các địa phương phải khoanh vùng quản lý về thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, tránh tình trạng rác thải xả tràn lan ra môi trường công cộng, thiếu sự kiểm soát và không có người chịu trách nhiệm.
Theo kế hoạch thu gom của thành phố, các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm sẽ xả rác ở vùng I (khu vực phía Bắc); các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên xả rác ở vùng II (khu vực phía Nam); các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ thải rác ở vùng III (khu vực phía Tây) và khu vực ngoài thị xã Sơn Tây.
Cũng từ thực tế khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung Luật Bảo vệ môi trường về chế định quy định chi tiết về bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống và quy định bắt buộc di dời một số ngành nghề gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Các làng nghề cần sớm được đầu tư hệ thống xử lý môi trường để phát triển bền vững. Ảnh: Thanh Giang/TTXVN |
Với mục tiêu bảo vệ môi trường làng nghề đáp ứng nhu cầu vừa phát triển kinh tế nông thôn, vừa bảo vệ môi trường bền vững, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, sớm đầu tư các công trình xử lý môi trường gắn với các mô hình kinh tế trọng điểm. Khuôn khổ chính sách về môi trường cũng cần hướng đến việc tổ chức thu các loại phí bảo vệ môi trường đối với các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề. Có như vậy, mới có thể nâng cao nhận thức của cộng đồng làng nghề, tạo nguồn thu cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải…
Mọi giải pháp chỉ thực sự phát huy hiệu lực khi đi kèm với thanh, kiểm tra thường xuyên. Để hóa giải ô nhiễm môi trường làng nghề, các đơn vị chức năng và các cấp chính quyền địa phương không thể không đặt thanh, kiểm tra thường xuyên thành nhiệm vụ định kỳ, đột xuất mới có thể kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nhiều ý kiến các nhà lập pháp và chuyên gia cũng kiến nghị Hà Nội căn cứ vào đặc thù Luật Thủ đô, nâng mức chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về môi trường tối đa gấp 2 lần Nghị định của Chính phủ để đủ sức răn đe và nâng cao ý thức người dân. Cùng với việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, thành phố khẩn trương nghiên cứu, quy hoạch chuyển đổi một số nghề và định hướng phát triển kinh tế tại một số làng nghề gây ô nhiễm; có lộ trình di chuyển việc sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Để ô nhiễm môi trường làng nghề không còn là nỗi ám ảnh, sợ hãi đối với người dân khu vực nông thôn, bên cạnh những giải pháp “rắn” về khung pháp lý, Hà Nội phải đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền để người dân tự bảo vệ mình. Đã đến lúc coi bảo vệ môi trường làng nghề là một chiến dịch cần đến sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là người dân của chính làng nghề - người “thụ hưởng” “lợi ích” kép từ sản xuất kinh doanh và cả hiểm họa từ ô nhiễm môi trường.