Tề Lỗ có khoảng 300 - 400 bãi tháo dỡ ô tô, xe cơ giới, động cơ, xe máy lớn nhỏ, có gia đình có tới 2 - 3 bãi. Bãi xe nào cũng ngồn ngộn sắt thép. Theo báo cáo của UBND xã Tề Lỗ: Từ năm 2015 đến nay, xã thường xuyên quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở và lập biên bản xử phạt đối với nhiều hộ có hành vi đốt dây đồng làm phát sinh khí thải độc hại, đốt chất thải gây bức xúc trong nhân dân và do đó tình trạng gây ô nhiễm môi trường đã giảm... Để phục vụ cho công tác thu gom đạt hiệu quả, năm 2018, xã giải phóng mặt bằng và đưa vào sử dụng 2 bãi rác thải tập trung với tổng diện tích 4.400m2 thay thế cho bãi rác Đồng Soi. Song, chính quyền Tề Lỗ cũng thừa nhận 2 bãi rác thải tập trung này chỉ phục vụ cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Rác thải công nghiệp sau tận thu phế liệu ở Tề Lỗ vẫn là bài toán chưa có lời giải. Một số hộ phải thuê người đem đi nơi khác xử lý với chi phí khoảng 1,7 triệu đồng/tấn. Một số hộ vẫn còn tình trạng đốt trộm hoặc đem sang các bãi rác ở các địa phương khác đổ trộm. Những tác động từ rác thải công nghiệp lên môi trường ở Tề Lỗ cho đến nay vẫn là khó tránh khỏi.
Theo các hộ buôn bán kinh doanh tại làng nghề, Tề Lỗ trước đây buôn bán sắt thép quy mô nhỏ, chủ yếu sắt thép phế liệu, sau đó chuyển sang tháo dỡ xe máy, động cơ điện, phụ tùng chi tiết cũ hỏng bán cho các lò đúc kim loại. Một số phụ tùng, linh kiện còn sử dụng được đem bán cho các xưởng, cửa hiệu để thay thế, sửa chữa cho khách hàng có nhu cầu. Nghề nặng nhọc, vất vả này cho thu nhập "một vốn, bốn lời". “Bình quân tháo dỡ một chiếc xe máy cho lãi từ 400 đến 600 ngàn đồng/chiếc; mỗi chiếc xe tải tầm lớn thu về hàng triệu đồng...Với những chiếc xe máy nhập khẩu thuộc hàng hiếm, lạ hoặc từng gây ấn tượng với người Việt, người thợ chỉ cần tháo dỡ vài thứ trên xe như đôi cốp, bộ giảm sóc trước và sau, bộ hơi xe... đã thu về hàng triệu đồng”, anh T, một người thợ ở Tề Lỗ, cho biết.
Khi kinh tế phát triển, các loại phương tiện, máy móc cơ giới, động cơ... ngày càng phong phú và đa dạng. Nhiều loại xe, phương tiện... đến tuổi thanh lý hoặc hư hỏng nặng, làng nghề ở Tề Lỗ càng nhiều việc, quy mô làng nghề ngày một mở rộng. Các khoảng trống ở sân, vườn, ngõ của nhiều hộ gia đình đều nhường chỗ cho sắt thép, phương tiện, máy móc hư hỏng. Làng nghề không chỉ có các phương tiện, máy móc giản đơn mà còn có cả xe tăng, xe kéo pháo, máy cẩu, máy xúc, ô tô tải hạng nặng, máy nghiền sàng đá cỡ lớn, nhà xưởng bằng sắt thép xuống cấp... Sau khi đánh giá, phân loại, các sản phẩm còn tốt được gia công sửa chữa, nâng cấp, sơn mới để bán cho các khách hàng mua sử dụng. Với các sản phẩm cũ và hư hỏng nặng, người dân phá dỡ, phân loại chi tiết để bán.
Tuy nhiên, nghề tháo dỡ xe, máy móc động cơ ở Tề Lỗ cũng đang gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng cuộc sống cho chính người dân trong vùng làm nghề và khu vực lân cận. Mỗi ngày, xã Tề Lỗ thải ra môi trường hàng tấn chất thải như sơn dầu, kính, nhựa, cao su từ các loại máy móc, động cơ. Các sản phẩm này chỉ được thu gom một phần và chủ yếu mang đến các khu ruộng đồng, kênh mương ven các làng xóm để đốt hủy, gây khói và mùi khét rất khó chịu. Bên cạnh ô nhiễm do đốt hủy chất thải thì những ánh lửa hàn cắt phá kim loại, những âm thanh chát chúa của máy móc, tiếng gầm khi kiểm tra các động cơ, máy móc và tiếng người xe ra vào làng …khiến cho làng nghề luôn ồn ào, khó chịu. Lương dầu máy thu gom không triệt để, lượng sơn làm mới sản phẩm phát tán ra môi trường trên diện rộng cũng là vấn đề gây ô nhiễm lớn.
Theo thống kê, năm 2018, doanh thu từ lĩnh vực thương mại - dịch vụ của Tề Lỗ đạt hơn 320 tỷ đồng, chiếm gần 52% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về kinh tế mà nghề tháo dỡ xe, máy móc đã mang lại, Tề Lỗ, vốn được biết đến là làng "tỷ phú", đang phải đối mặt với hệ lụy về môi trường. Điều này đòi hỏi ngành chức năng và chính quyền sở tại cần phải có các giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt hơn nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, góp phần bảo vệ chính môi trường sống, sức khỏe người Tề Lỗ; đồng thời, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường sau xây dựng nông thôn mới.
Đông đảo người dân nơi đây rất bức xúc việc đốt hủy chất phế thải nhưng không muốn lên tiếng đấu tranh, khiếu kiện bởi sợ mất tình họ hàng, làng xóm. Phía chính quyền xã cũng không muốn công khai thông tin thật cụ thể, chi tiết, không muốn phê phán chỉ vì e sợ người dân "mất kế sinh nhai". Nhiều năm qua, vấn đề thu gom và xử lý rác thải trong quá trình tháo dỡ các loại xe, động cơ...ở xã Tề Lỗ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực này ngày càng phức tạp./.