Khát vốn thay thế cầu tạm, cầu yếuNhiều năm nay người dân các huyện Mỹ Đức; Ứng Hòa; Sóc Sơn; Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai… phải đi trên những cây cầu mục nát với nỗi thấp thỏm tai nạn giao thông. Trước tình trạng xuống cấp đáng báo động của các cây cầu yếu, cầu tạm, việc thay thế các cây cầu này là cấp bách nhưng các địa phương cũng “lực bất tòng tâm” vì không có kinh phí.
Người dân đi lại trên cây cầu tạm bắc qua Sông Đáy trên địa bàn xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Ảnh: hanoimoi |
Tận mắt chứng kiến cảnh người dân các địa phương của huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa đi lại trên những cây cầu mục nát vắt ngang sông Đáy mới thấy hết sự nguy hiểm từ những cây cầu này. Thực tế, hai năm trước đây đã xảy ra hai vụ tai nạn gây đuối nước thương tâm tại cầu phao Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) vào tháng 7-2015 và tại cầu phao chợ Sêu (Ứng Hòa đi Mỹ Đức) vào tháng 6/2016 mà một phần nguyên nhân là do cầu không đảm bảo an toàn giao thông. Với tuổi đời hàng chục năm hai cây cầu này đã xuống cấp trầm trọng.
Quan sát thực tế, hai câu cầu này được chắp ghép khá thô sơ, cầu phao Mỹ Lương dài khoảng 60m, rộng gần 2m, làm trên hệ phao đúc hình thuyền bê tông, mặt cầu ghép từ các mảnh gỗ ván sơ sài và được cố định bằng dây thừng. Lan can ở phần giữa cầu thấp và thưa. Đặc biệt, đường xuống hai đầu cầu độ dốc rất cao. Còn cầu phao chợ Sêu kết nối thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú (Ứng Hòa) và chợ Sêu thuộc thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) cũng làm trên hệ phao thuyền bê tông, mặt cầu hàn nối từ những thanh thép, lan can cầu bị gỉ sét nghiêm trọng.
Đường dẫn cầu phía huyện Ứng Hòa được láng xi măng, tuy nhiên bên phía huyện Mỹ Đức vẫn là đường đất, nhỏ hẹp và không có hệ thống biển cảnh báo. Nếu không phải là người dân địa phương thì khó ai dám đi qua những cây cầu này vào những ngày mưa gió, nước sông lên cao.
Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 14 cầu phao như vậy cần được thay thế, tập trung chủ yếu bắc qua sông Đáy thuộc 2 huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa. Những cây cầu này đều là phao nổi dạng thuyền bê tông cốt thép, một số dùng thùng phuy, kết cấu dầm sử dụng các thép hình, đan thành tấm thép. Mặt cầu là thanh thép hoặc lát gỗ. Đường đầu cầu thường làm bằng bê tông và... đường đất, mặt cắt ngang nhỏ, độ dốc lớn. Các cầu chỉ cho xe đạp, xe máy và người đi bộ qua và phục vụ cụm dân cư hai bên cầu từ 600 đến 1.600 người.
Phó phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Lê Nghiêm Huấn cho biết, riêng huyện Mỹ Đức có 9 cây cầu phao bắc qua sông, phần lớn đều trong tình trạng không đảm bảo giao thông. Hiện nay mới chỉ có cầu Mỹ Hòa nối huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa đang được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội triển khai xây dựng còn lại các cây cầu khác chưa có nguồn kinh phí.
“Khó nhất hiện nay vẫn là tìm nguồn kinh phí để thay thế, cải tạo cầu tạm, cầu yếu. Mỹ Đức là vùng xa, vùng sâu lấy đâu ra xã hội hóa. Những công trình nhỏ thì chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách của huyện”, anh Lê Nghiêm Huấn cho biết.
Để đảm bảo giao thông, trước mùa mưa bão năm nay, huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo phòng chuyên môn và lực lượng chức năng Công an, Thanh tra Giao thông Vận tải tiến hành kiểm tra, rà soát, gia cố cầu, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Mong mỏi của người dân Từ năm 2014, sau một loạt vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến cầu treo, cầu tạm ở nhiều địa phương, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cầu treo, cầu tạm, cầu yếu trên địa bàn toàn thành phố; yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, rà soát các cầu tạm do người dân tự phát xây dựng trên địa bàn không bảo đảm kỹ thuật và kém an toàn, kiên quyết cấm lưu thông nếu nguy cơ mất an toàn gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân.
Thế nhưng, công tác kiểm tra, rà soát của các địa phương cũng chỉ mang tính "đột xuất", chưa được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Chính vì vậy, kế hoạch dài hơi là cần khảo sát nhu cầu dân sinh, xây dựng thêm những cây cầu bê tông cốt thép kiên cố thay thế cầu tạm nguy hiểm, đẩy nhanh tiến độ những dự án cầu đã được phê duyệt, kịp thời đáp ứng mong mỏi được đi lại an toàn, thuận tiện của người dân các khu vực ven sông.
Ông Nguyễn Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vân tải Hà Nội) cho biết, hệ thống cầu yếu trên đường tỉnh, một số trên đường huyện hiện nay do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư là 63 cầu, trong đó có 34 cầu yếu, cầu có tính cấp bách, được Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù cho công tác chỉ định tư vấn và thi công xây dựng. Đến thời điểm này đã có 25 cầu đã hoàn thành, 20 cầu đang thực hiện và còn 18 cầu chưa thực hiện.
Ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở cũng nhận thức rất rõ mối nguy hiểm tiềm ẩn của tình trạng cầu yếu hiện nay. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố rất khó khăn nên thời gian qua, đối với các cầu tạm, cầu yếu, vẫn tập trung vào công tác duy tu, duy trì nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Trước tính cấp bách, vừa qua Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội ưu tiên bố trí vốn để khởi công xây dựng 8 cây cầu yếu đã cơ bản đủ điều kiện để triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải cũng đã và đang phối hợp với từng huyện tìm kiếm các giải pháp phù hợp, huy động tối đa nguồn lực xã hội để chủ động với các phương án thay thế dần các cầu tạm, cầu yếu.
Hà Nội đang trong mùa mưa bão, hình ảnh những cây cầu tạm vắt vẻo qua sông là nỗi lo thường trực của người dân sinh sống ven sông, họ mong mỏi sớm có những cây cầu bê tông thay thế. Việc chậm trễ thực hiện sửa chữa, thay thế các cầu này đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của người dân ngoại thành, là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, thậm chí xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.