Tuy nhiên những đóng góp này vẫn chưa xứng với tiềm năng vì mới chỉ dừng ở mức độ sử dụng những gì hiện có mà chưa có sự đầu tư, nâng cao giá trị và bổ sung các tiện ích đô thị xung quanh hồ.
Ngoài ra, vẫn còn khá nhiều hồ, kênh mương, nhất là ở các quận ngoại thành và vùng ven đô chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, thậm chí còn nằm trong nguy cơ bị lấp, lấn trở thành đất ở hoặc là nơi đổ nước thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan đô thị.
Quản lý chồng chéo
Không thể phủ nhân không gian mặt nước làm phong phú đời sống văn hóa cộng đồng đóng góp trong những không gian công viên nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thể dục dưỡng sinh…; đồng thời gián tiếp mang lại lợi ích kinh tế với hình ảnh thiên nhiên gần gũi, hấp dẫn du khách tham quan sử dụng dịch vụ tại chỗ. Đâu cũng là một lợi thế tự nhiên trong hệ thống hạ tầng cấp, thoát nước của đô thị.
Hoạt động nạo vét Hồ Tây. Ảnh: Xuân Cường |
Song, cũng chính trong quá trình đô thị hoá đã làm giảm đáng kể số lượng cũng như diện tích các ao hồ, sông trên địa bàn Hà Nội. Khảo sát chưa đầy đủ cho thấy, diện tích mặt nước bị thu hẹp tới 40%, cụ thể: hồ Đồng Tâm thu hẹp từ 12.000 m2 còn khoảng trên 5.000 m2; ao An Thành, bãi sông Hồng 8.000 m2 cơ bản bị lấn hết từ đầu thập kỷ này.
Ngoài ra, hàng chục ao hồ khác cũng bị thu hẹp như hồ Khương Đình và Đầm Hồng, các hồ ao quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… bị lấn chiếm, thậm chí biến mất hoàn toàn.
Nhiều hồ ao được cải tạo cả tỷ đồng cũng bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Gần đây nhất là hồ Hoàng Cầu, hồ Linh Đàm, hồ Tây, sau cải tạo xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên trước hết thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Thực tế là không gian mặt nước đô thị đang chịu sự quản lý chồng chéo của nhiều đơn vị, cơ quan, ban ngành. Đơn cử với 132 hồ hiện trạng ở 12 quận nội thành, diện tích khoảng 1.924,5 ha và 185 hồ ngoại thành… chịu sự quản lý cùng lúc của 12 đơn vị trực thuộc.
Cùng với hạn chế về quản lý, vấn đề quy hoạch mới cơ bản chú ý tới việc phân lô, xác định ranh giới các ao, hồ trong đô thị một cách máy móc mà thiếu các quy hoạch chi tiết để có thể dự báo các phát sinh lấn chiếm, từ đó hoạch định những hành lang bảo vệ chống lấn chiếm.
Hơn nữa, quy hoạch mới chỉ xem không gian mặt nước trong đô thị như một không gian công cộng đô thị đơn thuần, với các giải pháp quy hoạch thuần tuý, chưa phát huy được tính nghệ thuật để có thể làm bật lên vai trò điểm nhấn tạo bản sắc trong đô thị.
Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội còn rất thiếu các thiết kế chuyên ngành để khai thác nhiều hơn lợi thế từ không gian mặt nước giúp giảm bớt những hiệu ứng bất lợi, tạo môi trường sống tiện nghi hơn cho dân cư lân cận. Đã đến lúc cần hoàn thiện chương trình hành động với tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị bài bản, trong đó xác định rõ tầm quan trọng của không gian mặt nước trong đô thị cũng như hệ thống giải pháp đồng bộ từ khía cạnh pháp lý, quản lý Nhà nước tới quy hoạch và cải tạo.
Cơ hội phát triểnỞ các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Australia, Nhật…, việc nghiên cứu và quy hoạch thiết kế cảnh quan sông hồ nhằm tạo nên môi trường sống cho con người tốt hơn đã được chú trọng từ nhiều thập kỷ nay. Các loại hình hoạt động xung quanh không gian mặt nước dành cho sinh hoạt cộng đồng của con người đã trở thành những hạng mục công trình không thể thiếu trong hệ thống cảnh quan đô thị. Nhiều nước trong khu vực, các không gian cây xanh và mặt nước đã được quy hoạch, quản lý, góp phần thoả mãn nhu cầu giao tiếp, nghỉ ngơi và văn minh đô thị.
Toàn cảnh Hồ Gươm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Nhìn lại nhiệm vụ bảo tồn và phát triển không gian mặt nước ở Hà Nội, Tiến sỹ Phạm Thúy Loan cho rằng, trong khu vực nội thành đông đúc một vài mảnh đất trống trở nên hiếm hoi thì không thể nói đến "giấc mơ" về một mặt nước được tạo ra nhằm các mục đích nói trên.
Tuy nhiên, thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng hàng loạt các khu đô thị mới, chủ yếu sử dụng quĩ đất nông nghiệp nằm xa đô thị và điều đáng nói là tại các quỹ đất này đã tồn tại những mặt nước ao hồ rộng lớn nhưng hầu hết bị lấp đi để lấy bề mặt cho phát triển. “Thật đáng tiếc khi chúng ta bỏ qua những cơ hội tạo ra các mặt nước quí giá cho thành phố”, Tiến sỹ Loan bày tỏ.
Cũng theo Tiến sỹ Phạm Thúy Loan, có nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội, các mặt nước vẫn còn nhưng được để lại ở rìa khu ở, hoặc không được chú trọng trong khâu thiết kế nên không phát huy được hết vai trò và ý nghĩa của chúng.
“Có lẽ chúng ta phải thận trọng hơn khi xem xét các yếu tố thiên nhiên của hiện trạng khu vực khi lập các qui hoạch chi tiết cho các khu đô thị mới này. Các hồ nhân tạo vẫn khả thi nếu như chúng ta kết hợp việc đào hồ với việc tôn tạo gia cố nền đất tại những nơi đất trũng”, Tiến sỹ Loan đề xuất.
Bản sắc hay đặc trưng của một đô thị không phải là điều gì xa lạ, trừu tượng. Đó chính là những yếu tố đô thị xung quanh chúng ta, gần gũi và có ý nghĩa với cuộc sống của chúng ta và được chúng ta yêu mến.
Với Hà Nội, ngoài việc giữ gìn và đưa vào phục vụ tốt hơn nữa các mặt nước sẵn có, việc lựa chọn tạo ra các mặt nước mới, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh chúng một cách khéo léo, sẽ có các phát triển mới không chỉ văn minh, hiện đại mà còn duy trì được bản sắc của Thủ đô.