Trước thực trạng, gần đây, báo chí phản ánh hiện tượng các SIM (điện thoại) đã được đăng ký sẵn một số dịch vụ trước khi bán, người mua không biết và bị trừ tiền trong tài khoản theo định kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 17/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, nhằm quản lý chặt hơn đối với các dịch vụ tính tiền theo định kỳ.
Cụ thể là yêu cầu chỉ được cung cấp dịch vụ khi có các xác nhận đồng ý bằng tin nhắn SMS. Đồng thời, yêu cầu định kỳ 30 ngày phải có xác nhận gia hạn sử dụng dịch vụ của người dùng.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số ý kiến góp ý cho dự thảo nói trên. Theo đó, VCCI cho rằng, những yêu cầu đưa ra là hợp lý. Bởi vì, nó sẽ bảo đảm rằng, khách hàng thực sự muốn sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, việc chỉ yêu cầu xác nhận đồng ý bằng tin nhắn SMS đối với dịch vụ cung cấp theo định kỳ mà không áp dụng đối với các dịch vụ khác như tính tiền theo lượng sử dụng, tính tiền theo gói… thì cần phải xem xét lại.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc mở rộng quy định bắt buộc phải xác nhận đồng ý bằng tin nhắn SMS đối với tất cả các dịch vụ, trừ dịch vụ cung cấp qua cuộc gọi điện thoại. Ngoài ra, yêu cầu phải xác nhận việc gia hạn sử dụng dịch vụ của người dùng có thể sẽ làm phát sinh chi phí tuân thủ tương đối lớn và trong nhiều trường hợp là không cần thiết.
Ông Tuấn nêu ví dụ, khi một khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ báo cuộc gọi nhỡ, mỗi tháng, khách hàng đó lại phải gia hạn sử dụng dịch vụ và nếu quên không gia hạn thì có thể sẽ nhỡ những cuộc điện thoại quan trọng.
Vấn đề này, VCCI cho rằng chỉ nên yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải gửi thông báo cho người dùng mỗi khi gia hạn dịch vụ. Các thông báo như vậy phải bao gồm thông tin về cách hủy dịch vụ để người dùng nào không muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ thì có thể hủy. Thực tế, nhiều dịch vụ khác trên mạng internet (sử dụng tài khoản ngân hàng) như email, lưu trữ… cung cấp theo định kỳ cũng áp dụng phương thức thông báo như vậy.
Ông Tuấn cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, sửa đổi dự thảo theo hướng, đối với dịch vụ cung cấp theo định kỳ, nhà cung cấp phải gửi thông báo đến cho người dùng qua tin nhắn SMS mỗi khi gia hạn dịch vụ và trừ tiền của khách hàng. Các tin nhắn SMS đó phải bao gồm đầy đủ các nội dung của dịch vụ và đặc biệt là cách hủy dịch vụ.
Riêng đối với một số loại dịch vụ dễ gây tranh chấp phát sinh như 3G và 4G, vốn là dịch vụ được đăng ký sẵn và tính tiền theo lượng sử dụng, hoặc dịch vụ xem các bản tin Flash trên màn hình điện thoại tính tiền theo từng lượt click vào bản tin… thì cũng cần được tính toán và xử lý.
Cụ thể như, đối với dịch vụ internet trên điện thoại (3G, 4G) thường được đặt mặc định tính tiền theo dung lượng sử dụng, trừ khi người dùng đăng ký các gói thời gian, gói dung lượng khác. Phương pháp tính tiền theo lượng sử dụng thường có cước phí rất cao, cao hơn rất nhiều so với các gói thời gian, gói dung lượng khác.
Tuy nhiên, khi các gói thời gian, gói dung lượng khác kết thúc (không gia hạn vì không đủ tiền trong tài khoản hoặc hết dung lượng), hệ thống sẽ tự động chuyển sang tính tiền theo lượng sử dụng. Đây là một hình thức thay đổi nội dung hợp đồng mà không được sự đồng ý của khách hàng.
VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định yêu cầu, mỗi khi thay đổi cách tính tiền dịch vụ từ tính tiền theo gói thời gian, gói dung lượng sang tính tiền theo lượng sử dụng thì phải được sự đồng ý của khách hàng.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung quy định yêu cầu bên cung cấp dịch vụ định kỳ 30 ngày hoặc khi kết thúc dịch vụ phải gửi thông báo về lượng dịch vụ đã sử dụng và số tiền đã trừ (tương tự như tính tiền điện, tiền nước theo tháng). Quy định như vậy sẽ giúp các bên có được thông tin định kỳ để giảm nguy cơ tranh chấp.