Thế nhưng, nhờ sự tích cực, chủ động triển khai phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ), nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Bình, lực lượng chức năng đã di dời 148 hộ với 515 người cùng tài sản đến nơi an toàn, hàng trăm hộ dân khác cũng đã được lên phương án di dời khi cần thiết. Tại các khu vực bị chia cắt, nước dâng cao, ngập lụt, lực lượng Công an đã túc trực và điều tiết giao thông; nhiều tuyến đường bị sạt lở hư hỏng đã được cảnh báo, canh giữ.
Chị Mai Thị Thanh, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: "Từ nhiều ngày nay, trên địa bàn liên tục mưa lớn, nước sông dâng cao nhiều nơi gây ngập lụt, người dân phải di dời đến nơi an toàn. Nhờ có lực lượng công an, chính quyền địa phương có mặt thường xuyên, tích cực hỗ trợ, sơ tán người dân kịp thời nên bà con giảm thiểu được thiệt hại".
Thượng tá Đoàn Sinh Hòa - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, nhận định tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", không bị bất ngờ. Tại các khu vực xảy ra lũ lụt như ở huyện Tuyên Hóa, lực lượng dân quân tại chỗ và các lực lượng trên địa bàn đã được huy động để giúp đỡ bà con.
Tại các địa phương thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lên phương án điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, hàng chục phương tiện xe ô tô, ca nô đến các địa bàn trọng yếu để giúp nhân dân sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn nhất.
Đại tá Trịnh Thanh Bình - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, trước tình hình mưa lũ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng các kế hoạch phòng chống, huy động lực lượng trực 100% quân số, chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; chỉ đạo các đồn biên phòng cùng lực lượng chính quyền, công an, dân quân túc trực nơi bị chia cắt, nơi có nước lũ chảy xiết để hỗ trợ, giúp đỡ người dân.
Trước đó, chiều 8/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đến kiểm tra và đánh giá cao công tác chủ động phòng chống mưa lũ của chính quyền, người dân địa phương.
Kiểm tra tại "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa, ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đánh giá cao công tác chủ động phòng chống mưa lũ của chính quyền, người dân địa phương. Nhờ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", Quảng Bình đã giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Thành đánh giá cao mô hình nhà nổi giúp người dân chống chịu hiệu quả khi nước lũ dâng cao; đồng thời đề nghị chính quyền cơ sở cần tiếp tục rà soát và sẵn sàng các phương án hỗ trợ, cứu trợ cho người dân, nhất là trong tình hình mưa lũ còn kéo dài.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến 9 giờ ngày 9/10, tỉnh Quảng Bình có 12.600 ngôi nhà bị ngập; trong đó huyện Lệ Thủy có trên 7.600 nhà, huyện Quảng Ninh có trên 4.300 nhà. Tại "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa, có 550 ngôi nhà bị ngập sâu tới 2,5 m, người dân phải chuyển sang tránh lũ trên những nhà phao. Quốc lộ 1A đoạn qua nhiều xã phía Nam tỉnh Quảng Bình bị ngập, nhiều phương tiện không di chuyển được. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó với thiên tai để giảm thấp nhất thiệt hại.