Thị xã Điện Bàn là địa phương mắc nhiều ca sốt xuất huyết nhất với 840 ca, các huyện khác trong tỉnh đều ghi nhận xuất hiện ổ bệnh sốt xuất huyết. Đáng chú ý, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn và người già tăng cao hơn so với các năm, đồng thời gia tăng số ca mắc ở thể nặng, rất nặng.
Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết: Năm 2019, tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và số ca mắc tăng hơn so với năm trước. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, cơ sở y tế thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường các biện pháp truyền thông, vệ sinh môi trường.
Hiện nay, khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đang trong mùa mưa lũ, dự báo bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nguy cơ lan rộng và kéo dài do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi và bọ gậy phát triển.
Theo Tiến sĩ y khoa Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, để làm tốt công tác phòng, chống sốt xuất huyết, thời gian qua Sở đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết; tăng cường công tác giáo dục truyền thông trong cộng đồng; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất chủ động diệt muỗi.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác số 5 của Bộ Y tế về hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 8 vừa qua, Sở Y tế Quảng Nam đã kiến nghị hỗ trợ địa phương 10 máy phun thuốc, 400 lít hóa chất diệt côn trùng, 100 kg hóa chất Abate diệt côn trùng, 200 bộ trang phục chống dịch; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm 500 triệu đồng cho kinh phí phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới.