Nhập viện sau nhiều ngày không giảm sốt
Buổi chiều 8/10, tại Khoa Vi rút- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 1, các giường bệnh kín người, phần lớn là bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Nằm viện đã hai ngày, bệnh nhân Nguyễn Thị Thẩm (59 tuổi, ở Hồng Minh, Phú Xuyên, Hà Nội) bắt đầu nổi vết xuất huyết dưới da. Bà mệt mỏi cho biết: “Tôi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết và nằm điều trị tại trạm y tế xã 3 ngày, nhưng các triệu chứng như: Sốt, đau đầu dữ dội, tăng huyết áp, không thuyên giảm, nên được chuyển lên tuyến trên. Tôi vẫn còn sốt, đau đầu, cảm thấy mệt mỏi nên chủ yếu ăn các thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa để tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hoá”.
Theo bệnh nhân Nguyễn Thị Thẩm, bà là người đầu tiên trong gia đình bị sốt xuất huyết, nên ngay khi bà phải nhập viện, gia đình đã chủ động phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp để tránh lây lan bệnh.
Cũng vừa nhập viện do sốt xuất huyết, bệnh nhân Vũ Thị Hiền (62 tuổi, Hà Nội) vẫn nằm mệt lử. Người nhà bệnh nhân cho biết, bà Hiền bị sốt đã 3 ngày nay; trước đó ở nhà chỉ dùng thuốc hạ sốt , thấy bà vẫn sốt cao liên tục, kèm đau đầu, nôn nhiều lả đi, nên đưa đi khám và được chỉ định nhập viện ngay để điều trị.
Hầu hết các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại đây đều có biểu hiện đau đầu dữ dội, mệt mỏi và nhập viện sau nhiều ngày sốt không giảm.
TS.BS Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Vi rút- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Khoa hiện có trên 70 bệnh nhân sốt xuất huyết đang nằm điều trị, phần lớn bệnh nhận tập trung ở các quận nội thành. So với các tháng trước, số bệnh nhân có dấu hiệu tăng cao do đang là thời điểm đỉnh dịch sốt xuất huyết hàng năm (từ tháng 9- tháng 11). Nếu những tháng trước chỉ rải rác vài trường hợp nhập viện, thì trong tháng 9 bệnh viện đã tiếp nhận hơn 420 ca mắc sốt xuất huyết. Để tránh quá tải, nằm ghép, bệnh viện đã phải chuyển bớt bệnh nhân sang cơ sở 2 tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) để điều trị".
Cần theo dõi, xét nghiệm sớm
Cũng theo TS.BS Trần Văn Giang, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có nhiều ca biến chứng nặng với các biểu hiện như: Sốc, xuất huyết nhiều cơ quan, suy tạng, suy gan… thậm chí có bệnh nhân, bác sĩ chỉ dám tiên lượng một cách dè dặt.
Theo đó, có một số trường hợp bị sốt khoảng 4- 5 ngày, khi xét nghiệm đã bị hạ tiểu cầu. Tuy nhiên không phải cứ hạ tiểu cầu là nguy hiểm, mà còn phụ thuộc vào mức độ. Tuỳ từng trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định có nhập viện hay không.
BS. Trần Văn Giang cũng khuyến cáo: Các biểu hiện nhẹ của sốt xuất huyết thường gặp là sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi người… những trường hợp nhẹ này có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm, người bệnh chủ quan, rất dễ bị biến chứng nặng. Các trường hợp nặng có thể dẫn tới sốc, suy tạng, thậm chí tử vong.
Hiện đang là đỉnh dịch sốt xuất huyết, số người mắc trong cộng đồng tăng lên. Vì vậy, nếu có biểu hiện sốt cao, người dân cần đi khám, xét nghiệm để được phát hiện, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng; đồng thời có các biện pháp để tránh lây lan ra cộng đồng. Hiện nay phác đồ điều trị sốt xuất huyết đã được phổ biến rộng rãi tại các tuyến y tế cơ sở. Người dân có thể đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, các trường hợp nặng mới được chuyển lên để tránh quá tải cho tuyến trên và hạn chế tình trạng nhiễm chéo.
Tại cộng đồng, mỗi gia đình, người dân cần biết cách tự phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách tránh muỗi đốt, phun thuốc diệt muỗi, thường xuyên vệ sinh môi trường diệt bọ gây để tránh muỗi sinh sôi, phát triển. Khi có các dấu hiệu sốt cao, sốt kéo dài, mệt mỏi cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời.