UBND tỉnh Quảng Ngãi giao UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động sử dụng dự phòng ngân sách huyện năm 2019 để thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi gây ra trên địa bàn; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, chi trả đúng đối tượng và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định hiện hành.
Do dịch tả lợn châu Phi gây ra, người dân và cả chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã và đang đối mặt với khó khăn rất lớn về kinh phí.
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, chỉ tính từ ngày 30/5/2019 – ngày 31/12/2019, số tiền cần được hỗ trợ là gần 78 tỷ đồng; trong đó chi phí hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi là khoảng 57,5 tỷ đồng và chi phí chống dịch là hơn 20,4 tỷ đồng. Cuối năm 2019, Quảng Ngãi cũng đã phân bổ hơn 37,5 tỷ đồng để hỗ trợ và chống dịch tả lợn châu Phi.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ ngày 28/5/2019 đến ngày 27/4/2020 tại 7.416 hộ ở 422 thôn thuộc 119 xã với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 36.780 con gây thiệt hại hơn 73 tỷ đồng. Riêng từ tháng 5/2019 – tháng 12/2019, dịch tả lợn châu Phi đã làm chết và tiêu hủy 32.917 con.
Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch nên các ổ dịch đã dần được dập tắt và đến ngày 28/4/2020, Quảng Ngãi đã chính thức công bố hết dịch. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện dịch bệnh đang đang phát ở một số địa phương trên cả nước, do đó, nguy cơ tái phát ở Quảng Ngãi là rất cao.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh, nguy cơ dịch tái phát, lây lan diện rộng, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh và các quy định, chế tài xử lý vi phạm trong phòng chống dịch theo quy định.
Các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cụ thể cho người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn; nâng cấp sửa chữa hệ thống chuồng trại, tổng tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi để diệt mầm bệnh, nhất là các trang trại, khu vực, cơ sở chăn nuôi đã bị dịch bệnh; cũng như việc tiêu độc, khử trùng định kỳ trong quá trình nuôi tái đàn.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương cần chủ động cung ứng con giống lợn, vật tư phục vụ chăn nuôi đủ điều kiện vệ sinh thú y và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo tái đàn, tăng đàn an toàn dịch bệnh, nhanh, bền vững đảm bảo nguồn cung khắc phục tình trạng thiếu hụt thịt lợn như hiện nay; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, lợn nghi nhiễm bệnh ra môi trường gây dịch bệnh lây lan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm dịch kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn…