Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 5 vị trí gốc cây khô mục xuất hiện khói và gần 200 cán bộ, chiến sĩ cùng người dân vẫn túc trực, sẵn sàng chữa cháy khi có đám cháy mới phát sinh. Lương thực, nước uống được tiếp tế liên tục cho lực lượng này.
Cũng theo ông Đại, nguyên nhân xảy ra cháy ban đầu được xác định không phải do người dân đốt thực bì, nghi là do một số đối tượng đốt tổ ong khiến muội than rơi xuống gây bén lửa. Đám cháy bắt đầu lan dần từ khu vực rừng xã Phổ Cường sang khu vực rừng xã Phổ Khánh và khi có gió ngược, đám cháy đổi hướng trở lại. Diện tích rừng cháy rụi ước tính hơn 25 ha; trong đó, có 15 ha rừng tự nhiên (dây leo, bụi rậm) của xã Phổ Cường và hơn 10 ha rừng trồng (khoảng 2 năm tuổi) của người dân. Thiệt hại kinh tế (đối với rừng trồng) ước khoảng 400 triệu đồng.
“Ngoài bộ đội, công an, dân quân và người dân 2 xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Kiểm lâm vùng IV Đắc Lắc cũng đã điều động 3 xe ô tô cùng 12 chiến sĩ tham gia hỗ trợ chữa cháy. Do vị trí xảy ra cháy ở trên cao, rất khó tiếp cận nên phương án duy nhất là chữa cháy thủ công bằng máy thổi gió, thổi bay lớp thực bì dưới mặt đất, lửa bén tới đâu dùng cây dập tắt đến đó. Đối với 5 điểm xuất hiện khói, chúng tôi không còn cách nào khác buộc phải để nó cháy rụi rồi tự tắt vì nếu thổi gió lửa sẽ có khả năng bùng phát trở lại”- ông Đại cho biết.
Người dân có rừng giáp ranh cũng đã chủ động làm ranh cản lửa để bảo vệ diện tích keo trồng, tránh bị ảnh hưởng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố tăng cường hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt trong tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 27 vụ cháy rừng, với tổng diện tích rừng bị cháy là 87 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ... Cháy rừng cũng đã làm 2 người chết.