Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do hoạt động đô thị hóa nhanh, cùng với việc quy hoạch và quản lý quy hoạch không hợp lý dẫn đến ngập lụt. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập, nhưng các chuyên gia dự báo nếu không quản lý tốt quy hoạch và chỉnh trang lại đô thị thì sẽ tiếp tục ngập lụt nặng hơn trong bối cảnh diễn biến của hiện tượng biến đổi khí hậu ngày một xấu. Do vậy, vấn đề đặt ra là thành phố cần phải xem xét lại các dự án chống ngập đang triển khai, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án và về lâu dài cần có những giải pháp bền vững nhằm quản lý hiệu quả quá trình phát triển đô thị.
Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp chống ngập, thế nhưng đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn bởi khi xóa được điểm ngập này thì lại xuất hiện điểm ngập mới. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nguyên nhân của vấn đề này là các giải pháp đưa ra chỉ mang nặng mục tiêu xóa ngập nhằm khắc phục hậu quả của việc thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước.
Không theo kịp tốc độ đô thị hóa
Vấn đề ngập lụt đô thị đã xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay và ngày càng diễn biến phức tạp. Sau khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2020 được phê duyệt (năm 1998), thành phố đã lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 nhằm giải quyết ngập do mưa, xử lý nước thải cho khu vực trung tâm bằng việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và xây dựng hệ thống thu gom nước thải.
Trong năm 2008, thành phố cũng đã lập quy hoạch thủy lợi chống ngập úng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 nhằm giải quyết ngập do triều cường và điều tiết lũ thượng nguồn trên cơ sở thực hiện xây dựng tuyến đê bao khép kín từ Bến Súc (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) đến sông Kinh Lộ (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) và bao bọc tỉnh Long An với 13 cống kiểm soát triều lớn, nạo vét, cải tạo các kênh trục để điều tiết lũ, đồng thời nghiên cứu xây dựng các hồ điều tiết nước.
Từ cơ sở quy hoạch trên, đến nay thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án thoát nước, thủy lợi như: dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự án đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án bờ tả, hữu ven sông Sài Gòn… Việc thực hiện các dự án bước đầu đã có hiệu quả vì số lượng các điểm ngập đã giảm dần tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên, số điểm ngập lại đang có xu hướng tăng lên tại khu vực ngoại vi thành phố, điều này đã cho thấy tốc độ phát triển hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa.
Tiến sĩ Phan Anh Tuấn, Trung tâm điều hành chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng nhưng hạ tầng thoát nước lại chưa kịp phát triển theo quy hoạch nên đã gây ra tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, việc đánh giá lại các quy hoạch để điều chỉnh bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế còn chậm.
Có thể dẫn chứng tại quận 9 - một quận có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhiều năm qua có đến 40% trên tổng số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước dẫn đến tình trạng ngập cục bộ. Còn theo thống kê toàn thành phố thì có khoảng 8.590 tuyến đường trục và hẻm nhưng còn tới hơn 3.000 tuyến chưa có cống và chủ yếu tập trung ở vùng ven như quận Thủ Đức, quận 12, quận 9, huyện Nhà Bè… và theo kế hoạch chương trình giảm ngập từ 2016-2020, thành phố cần tới nguồn vốn hơn 96.000 tỷ đồng để đầu tư.
Chưa đồng bộ
Cũng trong quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 phê duyệt năm 2001 đã đề xuất giải pháp thoát nước gồm cả xây dựng hệ thống thoát nước mưa (biện pháp công trình) và không xây dựng hệ thống thoát nước mà tận dụng điều kiện thoát nước tự nhiên (phi công trình) cho từng khu vực đô thị hóa.
Giải pháp rõ như vậy nhưng hầu như kể từ khi triển khai thực hiện quy hoạch theo Quyết định 752 đến nay thì giải pháp công trình theo hướng tăng cường đầu tư để nâng cao năng lực hệ thống cống thoát nhằm thoát nhanh nước mưa để tránh ngập vẫn là chủ yếu. Trong khi đó các giải pháp phi công trình hầu như chưa được thực hiện, nước mưa không được thoát theo quy luật tự nhiên do tình trạng bê tông hóa tối đa mặt bằng xây dựng, san lấp vùng trũng thấp diễn ra chóng mặt, không chỉ gây ngập úng mà còn ngăn việc bổ sung dữ trữ nước ngầm, yếu tố quan trọng để giữ áp suất địa tĩnh chống lún sụt vùng đô thị.
Cụ thể, theo Quyết định số 752, thành phố đáng lý ra phải tập trung đồng thời các giải pháp xây mới, cải tạo hệ thống thoát nước là triển khai xây dựng 104 vị trí hồ điều tiết bao gồm vùng dự trự tự nhiên kết hợp với các giải pháp phi công trình khác. Tuy nhiên, đến ngay thời điểm hiện tại nhiệm vụ này mới bắt đầu triển khai với 3 hồ điều tiết đang được xây dựng.
Trong lúc khu vực ngoại thành thay đổi mục đích sử dụng đất và bê tông hóa mạnh mẽ thì tại khu vực nội thành, hệ thống tiêu thoát nước cũ kỹ, hư hỏng, công tác duy tu chưa hoàn chỉnh… Hệ thống thoát nước tự nhiên kênh rạch, ao hồ bị san lấp, lấn chiếm thu hẹp dòng chảy là bài toán lớn mà thành phố cần phải giải quyết. Tuy nhiên, nhiều năm qua, giải quyết vấn đề này gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê về tình hình xử lý tình trạng lấn chiếm để cải tạo, chỉnh trang đô thị trong những năm gần đây đã chỉ xử lý được 29/87 vị trí lấn chiếm kênh rạch; 13/74 vị trí lấn chiếm cửa xả; 8/107 vị trí lấn chiếm hầm ga; 5/93 tuyến lấn chiếm tuyến cống, còn tồn tại 88 tuyến cống chưa xử lý với tổng chiều dài hơn 13 km và 375 hầm ga.
Thạc sĩ Vũ Thành Nam, Trung tâm Công nghệ và Môi trường - ENTEC cho rằng, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các đô thị phải đảm bảo diện tích mặt nước tối thiểu là 17% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển không gian đô thị đến năm 2025 thì diện tích sông rạch còn trên 32.000 ha, chiếm 15,3% tổng diện tích đất tự nhiên. Số liệu này đã bao gồm cả diện tích sông lớn như sông Sài Gòn, Nhà Bè và vùng Cần Giờ.
“Nếu tính theo khu vực nội thành cũ thì diện tích mặt nước này chỉ còn chiếm 4,84% và nếu tình theo khu vực nội thành mới thì diện tích này chiếm 10,43% tổng diện tích tự nhiên. Đây là nhân tố quan trọng gây nên ngập úng trong những năm qua”, Thạc sĩ Vũ Thành Nam đánh giá.
Như vậy, có hai vấn đề lớn cần phải tháo gỡ trong việc giải bài toán chống ngập cho thành phố chính là làm sao kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hóa và cần xem xét lại các giải pháp chống ngập có một chiến lược tổng thể, toàn diện. Từ đó có những kế hoạch cụ thể cho từng hành động để giải quyết căn cơ “vấn nạn đô thị” này, mặc dù những năm qua thành phố đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả chưa tương xứng với tiền bạc, công sức đã bỏ ra.