"Vênh" về đánh giá nguy cơ lây nhiễm
Theo lời kể của anh H., sau khi xuống sân bay Nội Bài, với các triệu chứng trên, cho rằng bản thân phải được cách ly tập trung, anh H. khai báo y tế tại sân bay và được đưa vào phòng y tế để đo thân nhiệt, kiểm tra họng...
Tuy nhiên, sau khi khám với kết quả "viêm họng nhẹ, thân nhiệt bình thường", anh H. được cho ra về. Sau đó, anh H. đón xe buýt vào trung tâm TP Hà Nội mua sim điện thoại gọi đến đường dây nóng Bộ Y tế phản ánh, rồi ra bến xe Nước Ngầm đón xe khách về Nghệ An. Dọc đường, anh H. điện thoại cho gia đình báo cáo lên cơ quan chức năng của địa phương. Nhận được tin báo, đêm ngày 11/3, cơ quan chức năng Nghệ An đã chốt chặn ở thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc), để đưa xe khách này vào khu cách ly tập trung, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm COVID-19…
Trao đổi về trường hợp anh H., ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho phóng viên báo Tin tức biết: “Hiện nay, chỉ có 4 quốc gia là Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran, bất kỳ trường hợp người lao động nào về từ các quốc gia này đều phải thực hiện cách ly 14 ngày. Các trường hợp về từ các khu vực cộng đồng các nước châu Âu sẽ phải khai báo y tế bắt buộc. Còn các trường hợp về từ các nước khác (trong đó có Nhật Bản) có dấu hiệu bệnh như ho, sốt, sẽ được kiểm tra sức khoẻ, trường hợp cần cách ly sẽ đưa thẳng vào bệnh viện để giám sát, theo dõi, chứ không phải cho cách ly tập trung”.
Ông Khổng Minh Tuấn cũng cho biết, trường hợp anh H. là người lao động về từ Nhật Bản, đã được kiểm tra sức khoẻ đúng quy trình. Kết quả khám cho thấy, trường hợp này không sốt, biểu hiện bệnh viêm họng hạt nên có ho; ngoài ra không có vấn đề gì nghi ngờ, nên bộ phận kiểm dịch phải cho người dân về vì theo quy định là không được giữ lại.
“Nếu trường hợp bệnh nhân có sốt, có biểu hiện do virus SARS-CoV-2, thì bộ phận kiểm dịch phải đưa thẳng về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để giám sát, theo dõi. Trường hợp đã khai báo trung thực và có ý thức cách ly khi nghi ngờ. Tuy nhiên, do không có biểu hiện bệnh, nên cơ quan kiểm dịch tại sân bay không được giữ, dù họ có yêu cầu được cách ly. Nếu giữ lại trường hợp này để cách ly là không đúng quy định và sẽ phải chịu trách nhiệm nếu sau này người dân có ý kiến rằng họ không mắc bệnh sao lại đưa vào cách ly. CDC Hà Nội khẳng định đã làm đúng quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn cho trường hợp này vào cách ly, đó là chính sách địa phương chứ không phải do các cơ quan làm không đúng quy định”, ông Khổng Minh Tuấn khẳng định.
Cần sự khai báo trung thực của từng cá nhân
Hiện nay, bộ phận kiểm dịch tại Sân bay quốc tế Nội Bài bao gồm các lực lượng tại cửa khẩu hàng không như kiểm dịch y tế quốc tế, công an cửa khẩu, an ninh sân bay, CDC Hà Nội cùng tham gia rà soát hành khách nhập cảnh. Ngay khi xuống máy bay, hành khách sẽ phải đi qua khu vực kiểm soát dịch tễ, đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào khu vực kiểm soát xuất, nhập cảnh.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), kiêm Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, theo đúng quy trình, khi hành khách xuống máy bay, đặc biệt là những chuyến bay quốc tế về từ vùng dịch, sẽ qua bộ phận kiểm dịch (thuộc Trung kiểm soát bệnh tật Hà Nội - CDC Hà Nội). Tại đây, cơ quan kiểm dịch y tế ngoài việc đo thân nhiệt còn kiểm soát việc khai báo y tế.
Sau khi đi qua khâu kiểm dịch, hành khách sẽ tới bộ phận kiểm soát xuất nhập cảnh (Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an). Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, hành khách lấy hành lý ký gửi và ra về.
Liên quan đến trách nhiệm của các hãng hàng không trong việc kiểm soát hành khách nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Võ Huy Cường cho biết: Hãng hãng không không có năng lực kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh, đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là cơ quan kiểm soát dịch tễ tại các sân bay đi và đến. Việc của hãng hàng không là vận chuyển hành khách và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị kiểm dịch về thông tin hành khách.
Trong trường hợp phát hiện hành khách trên máy bay có dấu hiệu nghi mắc COVID-19, các hãng hàng không có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay để thông báo kịp thời cho người khai thác cảng hàng không sân bay phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn ngừa, cách ly y tế kịp thời.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm công tác, quy trình kiểm dịch theo đúng quy định của ngành y tế, đúng trách nhiệm của các hãng hàng không, đại diện các cơ quan kiểm dịch tại sân bay Nội Bài đều cho rằng, ý thức tự giác khai báo về tình hình sức khỏe, hành trình di chuyển của từng hành khách khi xuống sân bay có vai trò quan trọng đảm bảo hiệu quả công tác kiểm dịch y tế tại gốc và kiểm soát dịch bệnh phát sinh.
Ông Khổng Minh Tuấn dẫn chứng, trường hợp bệnh nhân thứ 17 N.H.N mắc COVID-19 trở về trên chuyến bay VN0054 ngày 2/3 đã được yêu cầu khai báo y tế ngay khi xuống sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, nữ hành khách này đã khai báo không trung thực dẫn đến việc bỏ lọt một ca bệnh nguy hiểm cho công tác phòng chống dịch những ngày qua.
Ông Tuấn cho biết, CDC Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra tờ khai y tế tại sân bay, còn việc kiểm tra hộ chiếu của hành khách do An ninh cửa khẩu Nội Bài thực hiện. Với trường hợp bệnh nhân số 17, nếu qua kiểm tra hộ chiếu phát hiện chị N.H.N. có qua Italy thì chắc chắn sẽ yêu cầu cách ly ngay từ sân bay…
Rõ ràng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có biện pháp cụ thể để không bỏ sót, bỏ lọt những trường hợp tương tự, thì việc khai báo trung thực của mỗi cá nhân sẽ góp phần cùng cộng đồng ngăn chặn từ gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh.