Phóng viên TTXVN ghi nhận tình trạng sai phạm này tại một số địa phương.
"Bịt" kẽ hở, “siết” kỷ cương Ghi nhận của phóng viên tại địa bàn xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) cho thấy, một số hộ dân đã đổ khoảng gần 8.000m3 đất đá phế liệu lấp đầy diện tích 1.000m2 trong tổng diện tích đất ao khoảng 10.000 m2 chưa giao cho ai sử dụng. UBND huyện Đông Anh đã liên tiếp ra văn bản đồng thời quyết liệt chỉ đạo ngăn chặn tình trạng này bằng cách bố trí lực lượng thu dọn đất đá, phế liệu ra khỏi khu đất này, để đảm bảo trật tự và kỷ cương, pháp luật.
Phế liệu đổ trái phép xuống ao tại xã Vĩnh Ngọc. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN |
Tuy nhiên, Thường trực Huyện ủy Đông Anh cũng thẳng thắn thừa nhận công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại cơ sở chưa được siết chặt, có nơi khi phát hiện sai phạm, các đơn vị chức năng không xử lý dứt điểm, triệt để, thậm chí còn để vi phạm ngày càng lớn hơn, dẫn đến bức xúc trong nhân dân.
Có mặt tại hiện trường khu vực ao hồ bị lấn chiếm, máy xúc và xe tải đang hoạt động liên tục dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng. Hàng nghìn m3 đất đá từ khu vực bị san lấp trái phép đang được chuyển đi. Ông Nguyễn Lê Hiến - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết, đến ngày 10/4/2016 tổ liên ngành cùng với UBND xã Vĩnh Ngọc đã cơ bản xử lý hết phần đất, phế thải xay dựng đổ xuống trái phép, hoàn trả lại hiện trạng khu đất như ban đầu.
Huyện Đông Anh đã yêu cầu hộ ông Hoàng Kim Hùng là người đổ phế liệu cam kết không tái phạm, nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng trên sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra xử lý nghiêm theo luật định. Theo ông Hoàng Hải Đăng - Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Anh, việc khẩn trương xử lý những sai phạm đất đai tại Vĩnh Ngọc là kịp thời và cần thiết, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Đông Anh trong việc xử nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất công, trục lợi bất chính.
Tương tự, tại khu vực hồ Cầu Cốc, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), người dân đã đổ đất, phế thải xây dựng lấn chiếm lòng hồ để trồng cây, hoa màu và xây dựng một số công trình tạm trên đất với tổng diện tích đất bị lấn chiếm khoảng 200m2. Trao đổi với phóng viên về tình trạng vi phạm tại khu vực này, ông Nguyễn Viết Giảng - Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho biết: Chính quyền địa phương cùng với ban, ngành liên quan của quận Nam Từ Liêm đã tiến hành kiểm tra hiện trạng, xác định rõ vị trí, diện tích đổ đất phế thải xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xử lý ngay trường hợp xây dựng vi phạm trên đất công trái phép theo quy định của pháp luật.
Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 1 xe gắn máy tự chế đổ đất xuống lòng hồ và đã giao Công an phường xử lý. UBND phường Đại Mỗ cũng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về đổ đất phế thải vi phạm lòng hồ, đồng thời bố trí lực lượng thuộc tổ công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng phường giám sát, quản lý khu vực vi phạm trên. Hiện UBND phường Đại Mỗ đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, tổ dân phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân để nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực hồ Cầu Cốc; đồng thời đề xuất UBND quận lập dự án đầu tư cải tạo kè hồ tạo cảnh quan chung của khu vực.
Các lực lượng đang múc đào đất vận chuyển ra khỏi vùng vi phạm tại xã Vĩnh Ngọc. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh - TTXVN |
Cần sự "đồng hành" góp sức của người dân
Tình trạng san lấp ao, hồ trái phép đang diễn ra phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội, đe doạ môi trường sống của người dân; trong đó tập trung chủ yếu ở các khu vực phát triển đô thị, đất đai được giá nên một số đối tượng dùng mọi chiêu trò như đổ phế thải, xây dựng lán trại trái phép rồi hợp thức hoá giấy tờ sử dụng đất để xây dựng nhà ở kiên cố. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở khu vực nông thôn mà ngay tại khu vực nội thành, mặc dù nhiều hồ ao được cải tạo đã trở thành "lá phổi xanh" của thành phố nhưng nhiều địa điểm đã biến thành "hồ chết, ao chết" và có nguy cơ bị xóa sổ nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Thời gian qua, đã có hơn 40 ao, hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội được cải tạo xanh, sạch, đẹp, góp phần điều hòa không khí và làm đẹp mỹ quan của Thủ đô. Thành phố Hà Nội cũng đã phát động cuộc vận động kêu gọi xã hội hóa việc kè và cải tạo hồ và được sự hưởng ứng rất cao. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân. Đồng thời, mục tiêu cũng hướng đến đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống cây xanh, mặt nước trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, với số lượng ao, hồ nằm rải rác trên địa bàn khá lớn nên việc cải tạo không thể được thực hiện trong ngày một ngày hai. Chính hiệu quả từ việc kiên quyết xử lý sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng là sự khởi đầu phù hợp nhất nhằm tạo sức răn đe, nâng cao ý thức đối với người dân; qua đó thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của các cấp chính quyền và người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia xây dựng, vấn đề bảo vệ và khai thác có hiệu quả ao, hồ không chỉ là chuyện của chính quyền mà rất cần chung tay góp sức của người dân. Đó còn là cách tiếp cận tích hợp, kết hợp giữa bảo tồn, kỹ thuật, sự tham gia của các bên, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông và các nhà khoa học.
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), 5 năm qua đã có 17/112 hồ, ao tại khu vực nội thành Hà Nội bị san lấp hoàn toàn. Một số hồ bị cạn là do nước bốc hơi nhưng một diện tích khác cũng bị "bốc hơi" vì bị người dân lấn chiếm làm bãi trông xe, tập kết vật liệu xây dựng. Đây là thực trạng báo động của nhiều hồ nằm sâu trong các khu dân cư. Để hệ thống ao hồ, cây xanh vừa là nét đẹp đô thị, vừa đóng vai trò là những “cỗ máy” điều hòa không khí, thành phố Hà Nội cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, quyết liệt trong xử lý vi phạm, nhất là đối những tổ chức, cá nhân làm ngơ, tiếp tay cho các hoạt động lấn chiếm đất ao hồ biến thành đất cá nhân để trục lợi.