Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là dịp nhiều mặt hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được đưa ra thị trường, khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng cũng đang ráo riết lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra các mặt hàng phục vụ thị trường Tết.
Tràn lan hóa chất, phẩm màu độc hại
Hiện nay các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo, thực phẩm… phục vụ Tết đã được bán tại các chợ sỉ, lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong đó có không ít sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Tại các chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Bến Thành (quận 1), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… các loại thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán đã được bày bán khá phong phú như: lạp xưởng, các loại dưa món (dưa góp), bánh, kẹo, mứt… Những mặt hàng này có màu sắc rất sặc sỡ, trong đó nhiều loại không có bao bì, nhãn mác; giá trung bình 90 – 110 ngàn đồng/kg. Mứt bí 120 ngàn đồng/kg, hạt dưa có giá từ 80 – 100 ngàn đồng/kg…
Theo một cán bộ Đội Quản lý thị trường 6B, Chi cục Quản lý thị trường thành phố cho biết: Trong tuần qua, đội đã kiểm tra một điểm gần chợ Bình Tây phát hiện 1.706 gói trần bì, kẹo dẻo, kẹo nổ, bánh ly, kẹo cà phê sữa, kẹo cao su, bộ tẩm chiên hương cá, rau câu sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan không có chứng từ, hóa đơn.
Củ kiệu, hành muối được bày bán không che đậy tại chợ Bình Tây (quận 6). |
Một chủ cửa hàng kinh doanh bánh, kẹo, mứt tại chợ Phạm Văn Hai cho biết: Các loại thực phẩm có màu sắc thì dễ bắt mắt người tiêu dùng và bán chạy hơn. So với mọi năm, các loại thực phẩm dành cho ngày Tết đến thời điểm này vẫn chưa thực sự nhộn nhịp. Bởi nhiều tiểu thương “dè dặt” lo sức mua năm nay sẽ kém hơn so với mọi năm.
Ông Thái Thanh Hải, Trưởng phòng Y tế quận 5, cho biết: Trong những năm qua, điều kiện VSATTP đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, việc sử dụng các chất phụ gia, hóa chất trong sản xuất chế biến thực phẩm như đường hóa học, phẩm màu độc hại có trong gia vị, sử dụng chất bảo quản không đúng cách, thực phẩm nhập lậu… thực sự vẫn chưa kiểm soát nổi. Chính việc sử dụng hóa chất, phụ gia tràn lan đã gây nên tâm lý lo lắng, bất an cho người dân về thực phẩm độc hại đối với sức khỏe.
Tại chợ Kim Biên (quận 5), nơi chuyên cung cấp các loại hóa chất dùng cho thực phẩm, thời điểm này cũng nhộn nhịp hơn. Theo các chủ cửa hàng ở đây, vào những ngày này, các loại hóa chất như: chất tẩy trắng, chất làm giòn, chất tạo dẻo, phẩm màu và một vài hương liệu béo, giòn… được bày bán nhiều. Bởi đây là thời điểm các chủ cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo và các thực phẩm phục vụ Tết chuẩn bị vào mùa.
Chị Lan, một người có thâm niên làm giò chả nhiều năm cho biết: Đối với các loại giò chả nếu như không có độ giòn, dai thì sẽ không bán được hàng. Do đó, những người sản xuất thường cho hàn the và một ít bột tạo nạc để giò, chả thêm thơm giòn và ngon hơn. Biết là độc hại, nhưng nếu không làm như vậy thì sẽ khó bán được hàng và lợi nhuận cũng không cao.
Đến thịt bẩn và gia cầm không qua kiểm dịch
Dịp Tết cũng chính là thời điểm có nguy cơ lớn về bùng phát các loại dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, trong khi hiện nay lượng gia cầm nhập lậu vào thị trường khá lớn. Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết: Những ngày cuối năm nhu cầu sử dụng các loại thịt gia súc, gia cầm tăng cao. Bởi không chỉ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân mà còn cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm trong dịp Tết. Do đó, đây là cơ hội làm ăn của những đối tượng vận chuyển thịt bẩn chưa qua kiểm dịch tuồn về thành phố để tiêu thụ. Mới đây nhất, ngày 5/12, tại Trạm kiểm dịch phát hiện xe tải chở 300 kg thịt bẩn.
Trong tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra đã phát hiện 53 vụ vi phạm quy định về kiểm dịch, thú y, phần lớn là vận chuyển, chi cục đã giao cho các đội thú y cơ sở xử lý 718 con chim, gà, vịt, 1.155 kg thịt gia súc, gia cầm và 3.690 quả trứng gia cầm.
Các mặt hàng lạp xưởng, tôm khô được bày bán không đảm bảo ATVSTP tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. |
Đa số các loại thịt bẩn được đưa về các chợ tự phát để tiêu thụ hoặc bán cho các cơ sở sản xuất giò, chả, lạp xưởng, chà bông... Để có lãi cao, một số cơ sở sản xuất lạp xưởng mua nguyên liệu thịt nạc và mỡ heo giá rẻ. Trong khi thịt đùi heo ngon bên ngoài thị trường bán 80 ngàn đồng/kg, mỡ heo là 20 ngàn đồng/kg thì ở đây họ thường chỉ mua “hàng thải”, “hàng dạt” giá rẻ khoảng 30 – 40 ngàn đồng/kg thịt đùi, 10 ngàn đồng/kg mỡ, chưa nói tới mỡ thối từ các tỉnh đổ về.
Trong khi số lượng thịt bẩn tuồn về thành phố ngày càng nhiều vào thời điểm cuối năm, thì tại thành phố vẫn còn tồn tại khoảng 60 điểm kinh doanh gia cầm sống và khoảng 48 điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm trái phép.
Tăng cường kiểm tra
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Cục sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và kịp thời cảnh báo tới người tiêu dùng. Theo đó, Cục đang thành lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán như bánh, kẹo, hoa quả, rượu bia, nước giải khát, thịt và các sản phẩm làm từ thịt. Các đoàn sẽ kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm có số lượng lớn như chợ đầu mối, siêu thị… Theo đó, những đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý kiên quyết nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh: Chất lượng hàng hóa sẽ được cải thiện Với việc tăng cường thanh, kiểm tra, dứt khoát chất lượng hàng hóa phục vụ Tết năm nay sẽ được cải thiện đáng kể. Chi cục cũng lên kế hoạch kiểm tra thực phẩm trước và sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, ngày 10/1, Chi cục phối hợp với đoàn liên ngành sẽ ra quân kiểm tra đồng loạt, tập trung vào những cơ sở sản xuất và những điểm kinh doanh phụ gia thực phẩm. Bên cạnh đó, kiểm tra tại các chợ về điều kiện kinh doanh. Sau Tết, Chi cục sẽ kiểm tra những mặt hàng bán trong Tết còn tồn lại về hạn sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, người tiêu dùng chọn mua sản phẩm được bày bán tại đâu? bảo quản trong điều kiện thế nào?... Do đó, để đảm bảo cùng gia đình có được cái Tết an toàn không bị ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua sản phẩm tại những điểm kinh doanh tự phát và điều kiện bảo quản không đảm bảo. Ông Thái Thanh Hải,Trưởng phòng y tế quận 5: Phối hợp kiểm tra liên ngành Quận 5 là địa bàn có nhiều trung tâm thương mại lớn, nhiều chợ đầu mối… Trong năm, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 321 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 52 cơ sở, tiêu hủy 191 kg gia cầm không rõ nguồn gốc, 670 kg hóa chất phụ gia hết hạn sử dụng. Các hành vi vi phạm thường gặp là xây dựng cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm ở môi trường không đảm bảo, không hồ sơ hóa đơn chứng từ về nguồn gốc của hóa chất, phụ gia thực phẩm, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng. Để không còn xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán này, Trung tâm y tế quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Trung tâm y tế dự phòng, Đội quản lý thị trường 5 B, Trạm thú y quận 5... tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, phối hợp liên ngành trong công tác thông tin tuyên truyền về VSATTP và phòng chống dịch bệnh… Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh: Tăng cường kiểm tra tại các cửa ngõ và chợ đầu mối Chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, các đoàn liên ngành, tiến hành kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn, tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, các cửa ngõ ra vào thành phố và vùng giáp ranh với các tỉnh. Qua đó kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định, không rõ nguồn gốc đưa vào thành phố để tiêu thụ. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Quản lý chợ, đoàn liên ngành sẽ kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu tiêu hủy đối với các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc và bao bì nhãn hiệu hàng hóa không đúng theo quy định. |
Cũng trong dịp cuối năm này, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND 24 quận, huyện của thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra VSATTP. Trong đó, tập trung ngăn chặn các vụ vận chuyển thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc vào thành phố, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.
Theo đó, các trạm kiểm dịch động vật, trạm thú y của thành phố đang tích cực thực hiện các giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn vận chuyển về thành phố. Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết: Ngoài lực lượng trực 24/24 giờ tại điểm chốt, cán bộ nhân viên Trạm phải thường xuyên tuần tra trên đường nhằm phát hiện những phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Trạm kiểm dịch thường xuyên phối hợp với cảnh sát giao thông để nhanh chóng phát hiện những đối tượng vận chuyển thịt bẩn bằng các phương tiện xe khách, xe tải…
Tại các chợ đầu mối lớn của thành phố, công tác này cũng đang ráo riết thực hiện. Đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây cho biết: Chợ có hơn 20 cửa hàng bán bánh, mứt, kẹo Tết và gần 70 cửa hàng bán lạp xưởng, giò, chả, dưa hành. Để đảm bảo VSATTP, Ban quản lý chợ thường xuyên thanh, kiểm tra và nhắc nhở các tiểu thương không kinh doanh những mặt hàng không đảm bảo VSATTP.
Còn tại chợ nông sản Hóc Môn, đối với các loại rau, củ, quả, chợ cũng tăng cường gấp đôi số mẫu kiểm định về thuốc trừ sâu. Đối với thịt heo, Ban quản lý chợ phối hợp với Chi cục Thú y tiến hành lấy mẫu kiểm tra bất ngờ trên thịt nhằm đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng.
Lãnh đạo Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, cho biết: Chi cục đang ráo riết lên kế hoạch tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, tập trung chủ yếu là mứt, lạp xưởng, giò, chả, thịt, bánh, kẹo… Theo đó, cấp thành phố sẽ có 3 đoàn liên ngành gồm Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Cấp huyện sẽ có 24 đoàn do UBND các huyện thành lập và 319 đoàn liên ngành cấp phường, xã chịu trách nhiệm giám sát, xử lý tại địa phương mình.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán, Chi cục sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ cửa ngõ vào thành phố. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các điểm nóng bán gia cầm sống trái phép tại các khu vực giáp ranh quận, huyện.
Phối hợp với Ban quản lý chợ kiểm tra thịt gia cầm, gia súc bán tại các chợ. Tăng cường phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại thực phẩm, xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về điều kiện VSATTP, buôn bán thực phẩm quá hạn sử dụng, thực phẩm chứa phụ gia độc hại bị cấm hoặc hạn chế sử dụng.
Đan Phương - H.Tuyết