Rét hại, trâu bò vùng cao chết hàng loạt

Hiện các tỉnh Bắc Bộ đang khẩn trương tập trung các biện pháp phòng chống rét hại cho cây trồng, vật nuôi.

Bê chết tại Sa Pa bởi lạnh do băng tuyết rơi dày. Ảnh: Quỳnh Trang – TTXVN phát

Đợt rét đậm rét hại đang diễn ra gây thiệt hại nặng cho nhiều địa phương trên cả nước. Hiện các tỉnh đang khẩn trương tập trung các biện pháp phòng chống rét hại cho cây trồng, vật nuôi.

Từ ngày 22/1 đến nay nhiệt độ tại Nghệ An xuống thấp, kèm theo mưa, có ngày nhiệt độ chỉ 6 độ C. Mưa rét đang gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt. Tại một số xã miền núi đã xuất hiện gia súc, gia cầm chết do rét. Đơn cử, tại xã Tri Lễ và xã Thông Thụ (huyện Quế Phong) có 3 con trâu, bò bị chết.

Trâu chết rét tại Cao Bằng. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Hiện tỉnh Nghệ An đang yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân không chăn thả và sử dụng trâu bò cày kéo vào những ngày giá rét; thực hiện che chắn chuồng trại và cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm; triển khai phòng chống dịch bệnh, nhất là những vùng ổ dịch cũ của dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng.

Đối với sản xuất cây trồng, trong những ngày này tỉnh yêu cầu tạm thời không xuống giống gieo trồng. Riêng lúa, tỉnh Nghệ An khuyến cáo nông dân không gieo cấy khi nhiệt độ dưới 15 độ C, chỉ gieo cấy khi nhiệt độ trên 15 độ C; trên những diện tích mạ chưa đủ tuổi cấy đang che phủ nilon thì tiếp tục che phủ kín nilon để giữ ẩm cho mạ.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, rét đậm, rét hại đã khiến 21 con dê, nghé, bê bị chết (huyện Lục Ngạn có 16 con và huyện Sơn Động có 5 con); tại huyện Yên Dũng và thành phố Bắc Giang có 12 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, khối lượng cá bị cóng, chết rét là 2,5 tấn...

Trâu chết tại Sa Pa bởi lạnh do băng tuyết rơi dày. Ảnh: Quỳnh Trang – TTXVN phát

Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã họp khẩn để bàn biện pháp ứng phó và có văn bản khẩn gửi các UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc ngành triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã có công điện gửi các ngành, các huyện, thành phố khẩn trương, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.


Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các huyện, thành phố tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi như che chắn chuồng trại, giữ ấm cho vật nuôi, dự trữ đủ thức ăn thô, thức ăn tinh, không bắt trâu, bò làm việc hay chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C. Các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở vùng nuôi thủy sản trong những ngày xảy ra rét đậm, rét hại cần giữ ao nuôi ổn định, không kéo lưới chuyển cá, không cấp nước mới từ các hệ thống kênh mương, sông ngòi (nguồn nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ nước trong ao). Đối với đàn cá giống nuôi tại các ao nhỏ (đặc biệt là giống cá chim trắng, cá rô phi đơn tính) cần căng bạt che kín từ 1/2 đến 2/3 diện tích mặt ao; dùng rơm khô sạch bó thành bó thả xuống ao tạo giá thể cho cá trú rét; bổ sung nguồn nước ấm (từ nước giếng khoan sạch) cho ao…

Người dân lùa trâu từ trên núi xuống vùng thấp để tránh rét. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN.

Theo thống kê nhanh của cơ quan chức năng ngày 26/1, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có đến 79 con trâu, bò chết vì rét; trong đó chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé và hàng trăm héc ta hoa màu cũng bị ảnh hưởng, băng tuyết vùi lấp. Các địa phương có gia súc và hoa màu bị thiệt hại nhiều nhất chủ yếu ở các xã vùng cao của các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ, nơi xảy ra băng, tuyết những ngày qua.


Tại các địa phương trong vùng có băng tuyết, chính quyền đang phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường cán bộ về cơ sở, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đưa gia súc về nhốt trong chuồng trại và che chắn chuồng trại, bổ sung thức ăn tinh cũng như khoáng chất để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn gia súc. Đối với diện tích hoa màu bị tuyết phủ, có nguy cơ mất trắng, nông dân đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chủ động làm đất, gieo trồng bổ sung sau khi kết thúc đợt rét này. Đối với diện tích lúa mới cấy và mạ phục vụ cho việc gieo cấy hơn 6.000 ha lúa, nông dân đã chủ động giữ nước ở chân ruộng, đồng thời bón phân lân, tro bếp và phủ kín nilon. 


Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo cho các ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh huy động nguồn lực chủ động, tập trung phòng, chống rét cho các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Vĩnh Phúc tuyên truyền và phổ biến đến người dân không thả trâu, bò ra đồng trong khi trời mưa rét, đồng thời chủ động các biện pháp phòng chống rét, bổ sung, dự trữ thức ăn cho trâu bò. Tổ chức điều tiết nguồn nước đảm bảo cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tránh tôm cá chết vì giá rét. Vĩnh Phúc đã và đang yêu cầu nông dân ngừng xuống đồng để gieo cấy, chuẩn bị tốt hơn về nguồn giống để phòng khi mạ hoặc lúa mới cấy chết.

Để tránh thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố và các ngành liên quan xây dựng phương án phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2015 – 2016.

Theo đó, các huyện, thành phố thuộc Hà Nam chủ động hướng dẫn nông dân gieo cấy đúng khung lịch thời vụ và kỹ thuật, che phủ ni lông 100% diện tích mạ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động các phương án đối phó với điều kiện bất thường, chuẩn bị đủ mạ và thóc giống dự phòng. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, dịch bệnh để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.


Trước tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ giảm mạnh, gây rét hại trên diện rộng tại tỉnh Thái Nguyên và dự kiến sẽ còn kéo dài trong vài ngày nữa, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị gồm Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn các địa phương thực hiện phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi và cây trồng, tổ chức sản xuất vụ xuân năm 2016.


Theo đó, đối với các địa phương đã gieo mạ Xuân cần có các biện pháp tránh rét cho mạ, còn những địa phương chưa gieo mạ thì không gieo mạ và cấy trong những ngày nhiệt độ thấp hơn 15 độ C. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu các địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt tại các xã vùng cao.


Nhóm phóng viên CQTT địa phương
Cuộc sống người dân Hà Nội đảo lộn vì giá rét
Cuộc sống người dân Hà Nội đảo lộn vì giá rét

Miền Bắc đang phải hứng chịu đợt rét kỷ lục. Ngay tại Hà Nội, tuyết đã rơi tại Ba Vì. Dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, cuộc sống của nhiều người dân Hà Nội bị xáo trộn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN