Một chiếc sà lan chạy trên sông Sài Gòn đã bị mắc kẹt vào gầm cầu Bình Lợi nối quận Thủ Đức - Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, vụ việc đã khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam tê liệt nhiều giờ đồng hồ.Chiếc sà lan bất động do mắc kẹt trong gầm cầu. |
Đến trưa 29/5, công tác giải cứu chiếc sà lan kẹt dưới gầm cầu sắt Bình Lợi đã hoàn tất, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến sông Sài Gòn cũng như tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo thông tin, vụ việc xảy ra vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 29/5, một chiếc tàu kéo theo sà lan chạy trên sông Sài Gòn. Khi đi ngang qua gầm cầu đường sắt Bình Lợi cũ (nối quận bình Thạnh và quận Thủ Đức) thì bị kẹt lại dưới gầm cầu.
Nguyên nhân do kết cấu ụ thép để cố định trên sà lan bị mắc kẹt vào kết cấu của cầu, cùng lúc đó thủy triều đang lên khiến sà lan không thể tự thoát ra được. Vụ kẹt sà lan đã ảnh hưởng đến hành trình của tuyến đường sắt Bắc – Nam trong nhiều tiếng đồng hồ.
Dưới đây là video về hiện trường vụ sà lan mắc kẹt:
Lực lượng CSGT quận Bình Thạnh, CSGT đường thủy cùng công an địa phương đã phong tỏa hiện trường giải quyết vụ việc. Lực lượng cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP HCM cũng đã đến khắc phục sự cố.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ “giải cứu”, lực lượng chức năng đã tiến hành cắt trụ neo trên sà lan, nhờ đó chiếc sà lan được được kéo ngược ra ngoài và tạm neo khu vực cầu Bình Lợi mới. Các lực lượng tiếp tục cho giám định hiện trạng cầu sau cú va chạm để đảm bảo cho an toàn chạy tàu.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng sà lan đâm va cầu sắt Bình Lợi. Tại khu vực này đã xảy ra nhiều trường hợp tương tự.
Trước đó vào ngày 28/4, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công dự án cải tạo, nâng cấp cầu đường sắt Bình Lợi và luồng sông Sài Gòn đến cảng Bến Súc theo hình thức BOT. Trong đó, thành phần dự án cải tạo, nâng cấp cầu đường sắt Bình Lợi có khổ thông thuyền cao 7m, chiều dài cầu 478,6m, cải tuyến về phía hạ lưu, tim cầu mới cách tim cầu cũ 12m, gồm 11 nhịp dẫn dầm hộp thép.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ khơi thông luồng sông Sài Gòn, đáp ứng các tàu tải trọng lớn ra vào thuận lợi, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bình Phước.