Tại xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, nhiều hộ dân tỏ ra bức xúc trước việc thu thuế “lạ” của chính quyền xã. Ông Trương Thuận Lực, thôn Phú Sơn cho hay, họ không biết gì về chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp. Xã bảo nộp thuế thì họ nộp.
Ông Lực cho biết, đất đai của ông đã có sổ đỏ, lưu ở địa chính xã. Vậy mà, trước khi thu hoạch keo, thay vì phải nộp thuế 5 ha, ông Lực khai với xã 1 ha và xã chỉ thu thuế đúng 1 ha. Ông thắc mắc thu như vậy liệu có đúng quy định?
Người dân trong thôn cho biết thêm, nhiều trường hợp người đứng ra thu thuế còn tự ý nâng, hạ mức thu theo cảm tính. Họ cứ “nhìn mặt đặt tên”. Hễ thấy ai than nghèo khổ hay bệnh tật là giảm liền vài trăm nghìn. Nhiều người phản ứng không chịu nộp, xã cũng cho qua không thu thuế. Như vậy, không công bằng cho những hộ còn lại - ông Ao Công Thanh, người dân trong thôn Phú Sơn phản ánh.
Về vấn đề này, ông Phạm Tấn Tài - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp lý giải, do mới nhận chức vào năm 2016 nên ông Tài không nắm rõ về Nghị quyết miễn, giảm thuế nông nghiệp, chỉ thấy hồ sơ thu thuế những năm trước chuyển sang nên cứ thực hiện như cũ.
Ông Tài cho rằng, do người dân chưa kê khai diện tích đất của mình vào sổ bộ thuế nên không thuộc diện được miễn, giảm. Ông cũng thừa nhận, thủ quỹ cơ quan đã làm trái luật khi tự ý hạ mức thu cho một số trường hợp mà không thông qua lãnh đạo.
Câu trả lời của Chủ tịch xã cho thấy việc thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách này đến với người dân. Một số hộ cho rằng, nếu kê khai mà được miễn giảm thuế thì họ sẵn sàng làm. Thế nhưng, tận 13 năm ròng, chính sách thiết thực của nhà nước vẫn còn nằm trên…giấy là điều khó có thể chấp nhận.
Ông Nguyễn Chương - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thuế huyện Sơn Tịnh thông tin, việc người dân không kê khai vào sổ bộ thuế là lỗi lớn thuộc về chính quyền xã Tịnh Hiệp. Chi cục đã gửi công văn số 939 tham mưu cho UBND xã hướng dẫn người dân kê khai lại diện tích đất để hưởng chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp. Đồng thời, hàng năm đều phát đi văn bản liên quan đến việc này. Tuy nhiên, đến nay xã Tịnh Hiệp vẫn chưa có kết quả báo cáo.
Việc nữa là xã đã chuyển toàn bộ số tiền thuế thu được từ việc khai thác keo lâu năm của người dân qua nguồn thu khác để hưởng 100% số tiền đó. Trong khi, nếu chiếu theo quy định, số tiền này buộc phải nằm trong mục thu thuế đất nông nghiệp (bản danh mục các loại thuế cần thu).
Ngoài ra, xã không nắm được danh sách các hộ dân đến nộp thuế, chỉ những ai khai báo trước kỳ thu hoạch keo thì xã mới hay biết. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong việc quản lý.
Nhiều trường hợp, cán bộ tài chính và thủ quỹ xã Tịnh Hiệp đã lạm quyền khi sử dụng phiếu thu nội bộ và con dấu của Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã để thu thuế của dân. Điều này hoàn toàn trái quy định khiến nhiều hộ trồng keo phản ứng gay gắt, không chịu đóng thuế nữa.
Xác nhận tình trạng này nhưng Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp Phạm Tấn Tài lý giải, do cuối tháng 7, xấp biên lai thu thuế đã hết mà người dân đến nộp gấp nên cán bộ xã mới dùng đến phương án "bất đắc dĩ" như vậy. Biết sai, lãnh đạo xã đã ra công văn số 108/UBND ngày 31/12/2016 về việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn xã để chấn chỉnh kịp thời.
Mặc dù xã đã chỉ đạo Ban Tài chính chỉ được sử dụng phiếu do cơ quan chức năng nhà nước ban hành để thu các khoản thu nhưng đến tháng 8/2017, tình trạng này lại tái diễn. Cụ thể, từ ngày 2-3/8, bà Nguyễn Thị Mỹ Lai, cán bộ Tài chính- Kế toán xã đã dùng con dấu mặt trận và phiếu thu nội bộ để tiếp tục việc thu thuế của dân.
Còn ông Nguyễn Tấn Danh, cán bộ Thương mại- Dịch vụ kiêm thủ quỹ xã Tịnh Hiệp cũng câu kết với bà Lai tự ý hạ mức thu thuế trong phiếu thu cho ông Ao Công Thuận. Trước sai phạm nghiêm trọng, ngày 15/8/2017, UBND xã đã tổ chức cuộc họp để kiểm điểm bà Lai và ông Danh.
Ông Trương Thuận Lực với tờ biên lai thu thuế mà xã cấp lại khi sự việc bị bại lộ. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Ông Trương Thuận Lực phản ánh, họ đã làm sai nhưng vẫn "hành dân", bắt dân phải trả lại phiếu thu (xã cho đây là phiếu thu tạm) để đổi lại biên lai thu chính. Mặt sau của biên lai còn ghi rõ “Biên lai này thay thế biên lai thu tạm ngày 2/8/2017”, có chữ ký của ông Danh và chủ hộ. Nếu cơ quan truyền thông không vào cuộc phanh phui chuyện này thì xã có đổi lại biên lai không hay vẫn tiếp tục kiểu thu lập lờ bấy lâu - nhiều người dân chung thắc mắc.
Một tình tiết đáng lưu ý khác, ở phần lý do nộp trong phiếu thu nội bộ ghi rõ “Thu thuế đất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp” cho thấy cán bộ tài chính lẫn thủ quỹ xã - người trực tiếp đứng ra thu tiền không nắm rõ về nhóm đất nông nghiệp theo quy định Luật Đất đai 2013.
Ông Nguyễn Chương, Phó Chi cục Thuế huyện Sơn Tịnh khẳng định, chưa thấy thuật ngữ ấy trong ngành thuế bao giờ. Người thu phải ghi là thu thuế sử dụng đất nông nghiệp và phải sử dụng mẫu biên lai thu thuế sử dụng đất do Bộ Tài chính ban hành mới có giá trị pháp lý.
Theo ông Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, con dấu của Mặt trận chỉ dùng để huy động Quỹ vì người nghèo, không thể sử dụng để thu thuế sai mục đích như vậy.
Giờ là lúc, Chi cục thuế, các ban ngành liên quan và chính quyền xã Tịnh Hiệp phải có giải pháp tháo gỡ những “vướng mắc” và sớm thực thi chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân để họ ổn định đời sống, sản xuất.