Qua khảo sát thực tế trên phạm vi 37 làng thuộc 7 xã và 1 thị trấn cho thấy, có 316 hộ người Bahnar thực hiện việc mua bán, trao đổi, cho thuê đất sản xuất lên tới hơn 300 ha; trong đó chủ yếu là cho thuê đất, chiếm hơn 90% diện tích.
Hầu hết những hộ người Bahnar cho thuê đất ở huyện K'Bang đều nằm trong diện hộ nghèo và quỹ đất trước đây chủ yếu là do bà con tự khai hoang để phát triển trồng trọt, chăn nuôi nhằm từng bước ổn định và nâng cao cuộc sống. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, không biết cung cách làm ăn và hơn nữa do công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng chưa thực sự đi vào chiều sâu nên quỹ đất sản xuất của các hộ nghèo chưa phát huy hiệu quả.
Theo suy nghĩ của những hộ nghèo người Bahnar, cho người khác thuê đất hoặc trao đổi đất thì hàng năm có tiền thu về nhiều hơn do chính mình tự làm ra trên quỹ đất sản xuất được Nhà nước cấp. Trong khi đó những người thuê đất trả với giá rất rẻ nhưng sản phẩm lại làm ra lớn hơn trên một đơn vị diện tích.
Cụ thể, nếu thuê 1 ha đất sản xuất thì người cho thuê (người nghèo) chỉ nhận bình quân 10 triệu đồng/ha/năm nhưng cũng trên quỹ đất được thuê này, người thuê đưa vào trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao thì bình quân mỗi năm cũng thu được từ 50 - 70 triệu đồng/ha.
Huyện K'Bang hiện có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, khoảng 40% (theo tiêu chí nghèo đa chiều, chủ yếu hộ người Bahnar). Phó Chủ tịch UBND huyện K'Bang Nguyễn Văn Dũng khẳng định: Trong cái nghèo này có sự "đóng góp" không nhỏ của tình trạng cho thuê đất, trao đổi đất và bán trái phép đất nông nghiệp trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Bahnar.
Chủ trương của huyện, trước mắt là tiếp tục thu hồi đất cho thuê, trao đổi để cấp lại cho các hộ nghèo; đồng thời chỉ đạo chính quyền các xã tăng cường công tác quản lý đất nhằm ngăn chặn có kết quả tình trạng trên.
Theo đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tích cực hỗ trợ nhiều mặt cho hộ nghèo có điều kiện thuận lợi để giữ đất và phát triển sản xuất đạt hiệu quả như: vay vốn chính sách, đưa giống cây - con mới, tập huấn nâng cao kiến thức áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác...
Trước thực trạng đó, UBND huyện K'Bang đã xây dựng phương án giải quyết và xử lý đất thuê, trao đổi, mua bán trái phép đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào Bahnar và triển khai từng bước. Tùy theo tình hình thực tế, huyện thực hiện theo từng phương án cụ thể và cách giải quyết phù hợp trên cơ sở pháp lý với mục đích bảo vệ quỹ đất sản xuất, đất ở của đồng bào không bị mất đất trong quá trình trao đổi, cho thuê đất cũng như bảo đảm sự ổn định và phát triển kinh tế hài hoà trong cộng đồng có nhiều dân tộc sống chung trên địa bàn.
Đối với những trường hợp mua bán, trao đổi, cho thuê đất trái phép thuộc quỹ đất đã được giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo chương trình 132 - 134 thì kiên quyết thu hồi và cấp lại cho người nghèo. Còn đối với trường hợp khác thì cũng phải thu hồi trên cơ sở 2 bên cùng thoả thuận và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương; đồng thời 2 bên cùng ký cam kết không vi phạm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, đến nay toàn huyện đã thu hồi được hơn 80% diện tích đất thuộc diện cho thuê, trao đổi, mua bán trái phép và đã cấp lại cho người nghèo để phát triển sản xuất ổn định cuộc sống. Huyện cũng đang tích cực giải quyết rốt ráo thực trạng này.