Samsung tiếp tục khởi động dự án Phát triển nhà máy thông minh đợt 2

Samsung Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương vừa tổ chức Lễ khởi động Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 2 năm 2022 cho 12 doanh nghiệp tại các tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương.

Chú thích ảnh
Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 2 năm 2022 cho 12 doanh nghiệp tại các tỉnh TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương.

Hoạt động này nằm trong Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung phối hợp cùng Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022, với mục tiêu đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam và hỗ trợ tư vấn, cải tiến 50 doanh nghiệp áp dụng Nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 – 2023) nhằm nâng cao khả năng chuyên môn của đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước, cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp.

Trước đó, trong đợt 1 của dự án diễn ra từ ngày 12/4 đến ngày 7/7/2022, dự án đã hỗ trợ tư vấn phát triển mô hình nhà máy thông minh cho 14 doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam và đạt nhiều kết quả cải tiến khả quan.

Cụ thể, tham gia chương trình, các doanh nghiệp đã được đào tạo và hướng dẫn để hoạch định chiến lược cũng như xây dựng một lộ trình xuyên suốt hướng tới “Nhà máy thông minh”. Hệ thống quản lý gồm các quá trình đã được thiết kế lại để tối ưu hoá, đảm bảo dòng chảy thông tin vận hành được thông suốt và liên tục. Các giải pháp quản trị trên nền tảng số hoá, tự động hoá được chuyển giao trực tiếp từ chuyên gia Samsung giúp cho cả hệ thống quản lý và hiện trường sản xuất được thay đổi rõ rệt từ khâu tiếp nhận yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất tới lưu kho và chuyển giao sản phẩm. Các dữ liệu liên quan đến năng suất, chất lượng, giao hàng, chi phí … được quản lý và phân tích theo thời gian thực giúp cho nhà quản lý nhanh chóng, dễ dàng và chính xác hơn trong việc ra quyết định.

Chú thích ảnh
Đại diện Bộ Công thương, Samsung và Doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nhà máy thông minh đợt 2. 

Tiếp nối thành công của đợt 1, trong đợt 2 năm 2022, dự án sẽ được tiến hành tại 12 doanh nghiệp khu vực phía Nam. Trong đó, tại TP  Hồ Chí Minh có 6 doanh nghiêp: Công ty Cổ phần Cao su Thái Dương, Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Tiến Thịnh, Công ty TNHH giải pháp điện tử T.C.E Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty Cổ phần Kềm Nghĩa, Công ty Cổ phần công nghiệp và thương mại Lidovit.

Tại Long An có 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH nhựa PH, Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông Long An, Xí nghiệp Bao bì Liksin, Công ty Cổ phần Tân Phú Việt Nam.  Tại Đồng Nai có 1 doanh nghiệp: là Công ty TNHH Tương Lai.  Tại Bình Dương có 1 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Phát.

Quy trình hỗ trợ của dự án bao gồm 3 hoạt động: Lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông mình và Quản lý về sau.

Chương trình kéo dài trong 12 tuần (bao gồm 3 tuần đào tạo lý thuyết và 09 tuần đào tạo thực hành) nhằm nâng cao kiến ​​thức cũng như kỹ năng thiết lập nhà máy thông minh.

Trong thời gian 3 tuần học lý thuyết, Samsung sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương lựa chọn các chuyên gia tư vấn Việt Nam xuất sắc trong lĩnh vực cải tiến năng suất chất lượng để tiếp tục đào tạo nâng cao về nhà máy thông minh.

Trong 9 tuần thực hành, các chuyên gia Samsung và chuyên gia tư vấn Việt Nam sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

Cuối cùng dựa trên kết quả tư vấn hiện trường, các chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống vận hành và quản lý về sau như thúc đẩy doanh nghiệp tự tiếp tục triển khai hoạt động cải tiến, kiểm tra định kỳ mức độ cải tiến lĩnh vực sản xuất/IT sau dự án.

Trong năm 2022, Samsung dự kiến sẽ hoàn thành tư vấn cho 50 chuyên gia và 26 doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ về ý nghĩa dự án, ông Choi Joo Ho cho biết: “Samsung hy vọng rằng dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu. Samsung sẽ không ngừng hỗ trợ giúp các doanh nghiệp phát triển hơn nữa nhằm giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu, góp phần chung tay đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thực chất và hiệu quả tại Việt Nam”.

Dự án hợp tác phát triển Nhà máy thông minh là chương trình mới nhất nằm trong chuỗi các hoạt động tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam và đào tạo chuyên gia Việt Nam nhằm nhân rộng hiệu quả, củng cố sức mạnh tổng hợp và tiếp tục tăng cường các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương phối hợp với Samsung triển khai.

Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 – 2023.

Qua quá trình nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, số lượng doanh nghiệp cung ứng cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Nếu so với chỉ có 4 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 vào năm 2014, thì số lượng doanh nghiệp cung ứng cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2021 là 51 doanh nghiệp cấp 1 và 203 doanh nghiệp cấp 2.
PV
Samsung duy trì vị thế nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới
Samsung duy trì vị thế nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới

Ngày 19/9, công ty nghiên cứu thị trường Omdia công bố báo cáo cho thấy trong quý II/2022, công ty điện tử Samsung của Hàn Quốc đã mở rộng thị phần trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN