Sát ‘giờ G’, vẫn tràn lan tình trạng vi phạm nồng độ cồn

Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ kéo giảm tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia gây tai nạn, vi phạm luật. Tuy nhiên, gần đến giờ "G", tình trạng lạm dụng rượu bia vẫn phổ biến.

Nhiều người chưa biết quy định mới

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành. Luật này quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ; quản lý việc cung cấp; giảm tác hại; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại và quản lý Nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đáng chú ý, luật có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia đang được nhiều người quan tâm.

Chú thích ảnh
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của lái xe khách trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Theo đó, các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (hiện hành cho phép người điều khiển xe máy có nồng độ cồn miễn không vượt mức cho phép, xem); cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc...

Và kể từ thời khắc bước vào năm 2020, người dân phải chọn: "Đã uống bia rượu thì không lái xe" hoặc "Lái xe, dù là xe đạp, cũng không được uống một giọt bia rượu".

Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, dọc các tuyến đường Hà Nội như: Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương (quận Ba Đình), Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên)... hàng loạt các quán bia hơi vẫn tấp nập khách cùng ô tô, xe máy đỗ kín bãi. Nhiều lái xe sau khi đã "ngà ngà say" vẫn lấy phương tiện tham gia giao thông mà không có sự khuyên ngăn từ bất cứ ai.

Mật phục cùng Chốt kiểm soát nồng độ cồn thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 3 trên đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy), cách quán bia Hải Hói khoảng 1 km. Chỉ trong khoảng 2 giờ, phóng viên ghi nhận lực lượng CSGT qua kiểm tra vi phạm giao thông, kiểm tra ống thở, đã phát hiện liên tục 5 trường hợp điều khiển xe máy có sử dụng rượu bia. Mặc dù, các trường hợp bị phát hiện ở mức dưới 0,25 miligam/lít khí thở chỉ bị nhắc nhở, chưa bị xử phạt hành chính theo quy định, nhưng thực tế này cho thấy, tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn tràn lan và lực lượng CSGT khá dễ dàng phát hiện, xử lý nếu lập chốt kiểm tra gần các nhà hàng, quán bia.

Anh Nguyễn Văn Hải ở Cầu Giấy, người vi phạm nồng độ cồn vì có kết quả kiểm tra 0,13 miligam/lít khí thở, khi được hỏi có biết Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020, trong đó, quy định đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện và sẽ bị xử phạt nặng nếu vi phạm, anh Hải tỏ ra ngơ ngác và trả lời “không biết”...

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, ở Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, gần 40% các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia.

Còn theo Ts. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, các kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn tới sự an toàn của lái xe qua quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy, hành vi uống rượu bia của lái xe hiện nay phổ biến, bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Tỷ lệ thực khách tự lái xe sau khi uống rượu bia chiếm tỉ lệ % (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say, trong đó, có 34% người có dáng đi hơi xiêu vẹo, 5% người xiêu vẹo. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ của những người này cũng khá cao. Cụ thể, có 36% số người không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe...

Về thực tế trên, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội thông tin, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng CSGT Hà Nội đã lập biên bản xử lý 1.972 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm có sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Hiện tại, việc áp dụng xử phạt hành chính đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn vẫn áp dụng theo quy định hiện hành, khi có chế tài sửa đổi bổ sung theo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cũng như hướng dẫn bổ sung, CSGT sẽ tiến hành xử phạt theo điều chỉnh của luật mới.

Đã uống rượu bia, không lái xe

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, để Luật Phòng chống tác hại rượu bia phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và vận động, tuyên truyền quyết liệt khẩu hiệu "Đã uống rượu bia, không lái xe".

Thực tế, để đưa bất cứ điều luật mới nào thực thi trong cuộc sống, đều phải trải qua một quá trình dài. Với Luật Phòng chống tác hại rượu bia cũng không ngoại lệ, vì ngay từ khi Quốc hội thông qua, nhiều câu hỏi “hoài nghi” cũng được đặt ra. Tuy nhiên, với tình trạng lạm dụng rượu bia vô tội vạ như hiện nay, nhất là liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian gần đây xảy ra liên quan đến bia rượu đã và đang khiến dư luận bức xúc lên án. Vì vậy, việc ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia là cần thiết. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định, với chủ đề Năm An toàn giao thông 2020 “Đã uống rượu bia, không lái xe”, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, nhằm mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019; giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu bia.

Trước đây, quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo ban hành năm 1994 gặp phải không ít ý kiến phản đối, vì gắn với văn hóa truyền thống, gắn với sản xuất, kinh doanh nhiều làng nghề. Quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều... Tuy nhiên, sau hàng chục năm thực hiện, chứng kiến một xã hội ổn định về trật tự, những vụ tai nạn, thương vong giảm bớt, dần dần cả xã hội ủng hộ.

Từ đó có thể thấy, quy định mới để thu được kết quả, đòi hỏi trước hết là sự vào cuộc quyết liệt, liên tục của cả hệ thống công quyền, các cơ sở giáo dục, cơ quan truyền thông, không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, khi người dân thấy được cái lợi sẽ tự nguyện thực thi pháp luật.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Vụ xe biển xanh gây tai nạn rồi bỏ chạy tại Hà Nội: Lái xe vi phạm nồng độ cồn
Vụ xe biển xanh gây tai nạn rồi bỏ chạy tại Hà Nội: Lái xe vi phạm nồng độ cồn

Ngày 28/11, theo thông tin từ Công an Hà Nội, tổ công tác Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội đã kiểm tra nồng độ cồn tài xế điều khiển xe ô tô biển xanh 80A-019.72 gây tai nạn rồi bỏ chạy vào tối 27/11 và xác định tài xế này vi phạm nồng độ cồn với kết quả đo là 0,071 miligam/lít khí thở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN