Theo Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba, căn cứ theo các cơ sở pháp lý việc vận chuyển đàn ong này đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do vị trí gây nuôi nằm gần Vườn quốc gia U Minh Hạ nên quan điểm của lãnh đạo huyện là buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ UBEE di dời đàn ong đến nơi đăng ký gây nuôi ban đầu tại ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh để tiếp tục gây nuôi thử nghiệm.
Chủ tịch UBND huyện U Minh cũng khẳng định, dư luận cho rằng cơ quan chức năng ''trục xuất'' đàn ong lạ ra khỏi địa phương là thông tin không chính xác.
Đàn ong lạ gây nên sự chú ý của nhiều người dân ở vùng rừng U Minh Hạ thực ra là ong mật có tên khoa học Apis mellifera ligustica, gọi tắt là ong Ý.
Trong số 270 thùng ong Ý được Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ U BEE vận chuyển đến nuôi tại tỉnh Cà Mau có 50 thùng ong đang được gây nuôi thử nghiệm tại Trại Thực nghiệm Khánh An (ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh) thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau. 220 thùng ong còn lại , Công ty đã ký thác gây nuôi tại khu đất vườn của hai hộ dân Phan Văn Càng và Tăng Văn Thắng ngụ cùng ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh.
Mặc dù việc vận chuyển đàn ong lạ đến địa phương đúng quy định của pháp luật nhưng bởi đàn ong không giống với đàn ong bản địa nên gây lo ngại cho chính quyền và người dân vùng rừng. Do vậy, UBND huyện sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ việc gây nuôi thử nghiệm. Sau khi có báo cáo đánh giá cụ thể của cơ quan chức năng về những tác động, ảnh hưởng có liên quan đến sự phát triển và bảo tồn đàn ong bản địa, tính đa dạng sinh học ở vùng lõi thuộc khu sinh quyển của thế giới… mới có thể nhân rộng gây nuôi ở một số địa điểm phù hợp.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kết hợp với địa phương chọn địa điểm gây nuôi thí nghiệm ở khu vực nào phù hợp, không nên gây nuôi tràn lan ở vùng rừng U Minh Hạ.
Liên quan đến sự việc này, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau Quách Văn Ấn thông tin: Ong Ý có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được nhập từ Hội Nuôi ong tỉnh Tiền Giang.Ong Ý nằm trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép nuôi và sản xuất rộng rãi trong nước.
Qua tham khảo tài liệu ngoài nước và trong nước cho thấy, đối với con ong Ý chưa có nghiên cứu nào khẳng định có ảnh hưởng đến loài bản địa và ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học. Từ cơ sở trên, Trung tâm đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty UBEE để nuôi thử nghiệm đàn ong Ý tại Trại thực nghiệm Khánh An thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau .
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ UBEE Huỳnh Công Tấn bày tỏ: Để được nguồn mật ổn định lâu dài và chất lượng việc thu mua trong dân cũng gặp nhiều khó khăn, chất lượng không ổn định nên gây nuôi ong mới sẽ tạo được nguồn thu mật ổn định về lâu dài. Công ty đang kết hợp Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau nuôi thử nghiệm ong Ý tại ấp An Phú, xã Khánh An.
Nếu mô hình nuôi ong thí điểm mang lại hiệu quả tốt, góp phần giải quyết sinh kế cho người dân vùng rừng gắn với việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng, Công ty sẽ làm các thủ tục xin phép cơ quan chức năng tỉnh cho nhân rộng. Mỗi hộ dân kết hợp với Công ty chuyển giao kỹ thuật nuôi hoặc tự nuôi, khi nào thu hoạch mật, Công ty trực tiếp đến thu mua, sau đó vận chuyển về sơ chế rồi kiểm nghiệm chất lượng trước khi được xuất bán ra thị trường với thương hiệu Cà Mau.
Tạo sinh kế bền vững cho người dân ở vùng đệm rừng quốc gia U Minh Hạ thông qua phát triển chuỗi sản phẩm đặc sản của rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là việc nên làm. Do vậy, cơ quan chức năng tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu để có đánh giá cụ thể về những tác động và ảnh hưởng của việc gây nuôi ong Ý ở vùng rừng U Minh Hạ, Cà Mau.