Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 31/5, nhịp giữa của cầu Tân Nghĩa bắc qua kênh Tháp Mười 2 (còn gọi là kênh Nguyễn Văn Tiếp), nối liền 2 xã Phong Mỹ và Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đã bị sập. Nhịp sập làm bằng thép có chiều dài 21 m, rộng 4 m. Sự cố làm một người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp và làm 1 xe tải, 1 xe ba gác cùng nhịp cầu rơi xuống sông, một tàu thuyền đang bị kẹt dưới gầm cầu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do phương tiện qua cầu vượt quá tải trọng cho phép.
Để giải quyết sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Sở GTVT Đồng Tháp và các đơn vị có liên quan khẩn trương báo cáo sự cố với UBND tỉnh, xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các lực lượng chức năng địa phương cần tổ chức cứu hộ xe tải, xe ba gác và tài sản bị ảnh hưởng; có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; tổ chức giao thông tạm thời và thông báo trên các phương tiện truyền thông; đồng thời khẩn trương nghiên cứu giải pháp xử lý, khắc phục công trình cầu Tân Nghĩa.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị chức năng xác định nguyên nhân gây ra sự cố để xử lý nghiêm theo quy định các đối tượng vi phạm; khắc phục sự cố và tổ chức giao thông thông suốt.
Nhìn lại vụ sập cầu, vào thời điểm trên, xe ô tô tải biển số 78C - 046 27 có tải trọng hàng hóa khoảng 17,3 tấn, lưu thông theo hướng Tân Nghĩa đi Gáo Giồng do lái xe Hồ Thế Hữu, sinh năm 1987, ngụ tại khu phố 5, TP Tuy Hòa, Phú Yên làm chủ. Khi xe lưu thông qua cầu Tân Nghĩa có tải trọng cho phép là 8 tấn, bất ngờ cầu sập nhịp giữa. Trên nhịp cầu bị sập có xe ba gác lưu thông cùng chiều phía trước, do anh Nguyễn Văn Tâm điều khiển (chưa rõ năm sinh, địa chỉ). Cùng đi với anh Tâm có anh Nguyễn Minh Luận, sinh năm 1987, ngụ tại Khóm 3, Phường 11, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tại hiện trường, cầu Tân Nghĩa bị sập đã làm xe tải và xe ba gác rơi xuống kênh. Ngoài ra, phần giữa nhịp cầu bị sập còn đè trực tiếp lên một chiếc tàu do anh Trần Thanh Trinh (sinh năm 1981) và vợ Trần Thị Cẩm Nhung (sinh năm 1988) ngụ tại huyện Hồng Ngự làm chủ, khiến phương tiện hư hỏng nặng.
Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp vẫn đang giải tỏa các chướng ngại vật để lưu thông đường thủy, hướng dẫn giao thông đường bộ và cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn giao thông.
Được biết, cầu Tân Nghĩa khởi công tháng 6/2005, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2007 với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Cầu được đầu tư theo hình thức BOT, thời gian thu phí từ năm 2007 đến năm 2019 (vừa chấm dứt thu phí vào tháng 2/2019).