Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang thực hiện việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế (theo lộ trình) theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Do đó, việc quy hoạch, bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 (sau khi kết thúc Đề án) vào biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hiện cũng chưa có cơ chế, quy định cụ thể về phương án tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển, xét tuyển đối với đội viên Đề án 500, kể cả đội viên thuộc chương trình huyện nghèo 30a. Do đó, việc bố trí công tác sau khi kết thúc Đề án khó đảm bảo kịp thời và phù hợp với năng lực công tác thực tiễn, quá trình cống hiến của đội viên tại vùng nông thôn, vùng miền núi đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ, Ninh Thuận có 10 đội viên được cử đi công tác, làm việc tại 9 xã của huyện Bác Ái và xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Tất cả đội viên trí thức trẻ đang công tác đều là cử nhân đại học. Đến ngày 2/6, Ninh Thuận chỉ lập được phương án bố trí, sử dụng 5 đội viên công tác tại các xã, các sở, ngành nhưng phải qua thi tuyển công chức. Số đội viên còn lại hiện vẫn “ngóng” vì chưa có phương án để bố trí, bởi các cơ quan và chính quyền địa phương vẫn chưa đảm bảo cân đối phù hợp biên chế, số lượng người làm việc để bố trí, tuyển dụng sau khi Đề án kết thúc.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, để giải quyết khó khăn trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Nội vụ sớm xem xét, có chủ trương bố trí biên chế để sắp xếp, tuyển đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện nói chung và đội ngũ trí thức trẻ thuộc Đề án 500 nói riêng vào lực lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phương thức tuyển dụng đặc cách hoặc có chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường đội ngũ trí thức trẻ sau khi kết thúc Chương trình 30a, Đề án 500 để họ yên tâm công tác lâu dài tại địa phương.
Theo ông Lưu Xuân Vĩnh, nếu thực hiện được phương án trên, phải kéo dài khoảng 3 năm để các địa phương sắp xếp, bố trí công tác đối với đội viên theo quy định. Còn nếu chưa đảm bảo cơ sở xem xét, giải quyết đề xuất như trên trước ngày 30/6/2020 (sau khi kết thúc Đề án), UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, trước mắt chấp thuận chủ trương kéo dài thời gian hợp đồng làm việc đối với các đội viên Đề án 500 đến hết ngày 31/12/2020, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đội viên yên tâm tiếp tục công tác.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cần xem xét, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về tuyển dụng công chức, viên chức đối với đội ngũ trí thức trẻ nói chung và đội viên Đề án 500 sau khi hoàn thành nhiệm vụ thực hiện Đề án.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận, thực hiện quy định tại khoản 6, Điều 2 Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 50/BQLĐA500 ngày 11/6/2018 của Ban Quản lý Đề án 500 trí thức trẻ; Công văn số 5958/BNV-CTTN ngày 5/12/2018 của Bộ Nội vụ về việc bố trí, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ đối với đội viên Đề án 500 trong thời gian công tác tại xã và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Sở Nội vụ đã phối hợp với các địa phương thuộc phạm vi Đề án tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch; theo dõi năng lực chuyên môn, phẩm chất và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân đến khi kết thúc Đề án để xem xét, tuyển dụng vào công chức, viên chức các cấp trên cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu trình độ, chuyên môn, năng lực công tác.
Qua đánh giá, các đội viên được tuyển chọn, tăng cường về cơ sở cơ bản đáp ứng yêu cầu trình độ chuyên môn và năng lực công tác thực tiễn tại địa phương; luôn tích cực nghiên cứu, học hỏi. Qua đó, phát huy tốt những điểm mạnh của tuổi trẻ, đó là tinh thần xung kích, tình nguyện, nhiệt tình và đầy trách nhiệm; chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của xã để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.