Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trên toàn cầu nhưng vấn đề môi trường vẫn chưa được xử lý một cách căn cơ. Khủng hoảng lớn nhất là chưa tìm ra mô hình tồn tại, phát triển một cách bền vững. Đã đến lúc, Việt Nam cần hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả. Luật phải tạo nên sự thay đổi có tính chất “cách mạng” trong nhận thức, hành vi, ứng xử của người dân đối với môi trường.
Đánh giá của cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 sửa đổi cho rằng Luật đảm bảo được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục được sự phân tán, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc định hình chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng bền vững. Có 3 vấn đề cốt yếu trong Dự thảo Luật là tích hợp giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Lựa chọn phù hợp
Một sự cải cách mạnh mẽ trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính cùng với việc giảm thời gian thực hiện từ 20 - 75%. Góp phần giảm thủ tục hành chính là việc chỉ dùng 1 loại giấy phép về môi trường thay thế cho 7 loại giấy phép con.
Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện có 2 phương thức chính là giấy phép môi trường hợp nhất đang áp dụng tại các nước châu Âu. Còn tại Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, một số nhóm đối tượng đặc thù tại các nước châu Âu thì áp dụng nhiều giấy phép môi trường đơn lẻ, mỗi vấn đề môi trường có một giấy phép riêng.
Thực tiễn áp dụng trên thế giới cho thấy, không có ưu thế rõ rệt giữa 2 phương thức này. Việc áp dụng phương thức nào còn tùy thuộc vào hệ thống pháp luật và thực tế của từng nước, tuy nhiên, tất cả đều bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo, một đối tượng cụ thể không bị áp dụng cả 2 phương thức cấp phép.
Tại Việt Nam đã tồn tại một số loại giấy phép môi trường theo cả 2 phương thức cấp phép nêu trên. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 sửa đổi hợp nhất, tích hợp 7 loại giấy phép hiện có về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước thành Giấy phép môi trường, bao gồm 2 giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép xả khí thải, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm) và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi.
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), với định hướng này, Giấy phép môi trường bảo đảm được 3 vai trò chính là công cụ bảo đảm điều kiện cần và đủ, cho phép các cơ sở trước khi hoạt động phải thực hiện đúng các yêu cầu, điều kiện để phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ ô nhiễm. Giấy phép môi trường cũng là công cụ cho phép cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, điều chỉnh tải lượng chất thải phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm kiểm soát chất ô nhiễm, duy trì, bảo vệ mục tiêu chất lượng môi trường. Và đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường giám sát, kiểm tra, thanh tra tổ chức, cá nhân trong quá trình vận hành dự án.
Chuyên gia độc lập Đỗ Thành Bái đánh giá cao chương về giấy phép của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Theo ông, đây là công cụ tốt, hợp nhất các giấy phép con. Tuy nhiên, việc cấp cho cả một dự án thì cần phải được phân định rõ, mang nhiều yếu tố kỹ thuật, phân biệt giữa cấp phép cho dự án hoạt động và cấp phép cho cụm thiết bị.
Tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ
Hiện nay, khi đưa Dự thảo Luật ra thảo luận, vẫn có hai luồng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chưa thống nhất nên tích hợp hay giữ nguyên các giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi việc thực hiện cấp giấy phép, giấy xác nhận về bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy có một số vướng mắc, bất cập. Thực tế, các loại giấy phép này đều được cấp dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, kết quả vận hành công trình bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và chất lượng môi trường.
Cụ thể tại điểm b, khoản 2, Điều 15 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi quy định căn cứ cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là “Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả nước thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Theo quy định, các loại giấy phép, giấy xác nhận này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Do vậy, đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp, trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa phương là UBND tỉnh, huyện.
Nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này cơ bản giống nhau, đều yêu cầu về công trình xử lý, quy trình vận hành và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Do đó, riêng 1 đối tượng xả nước thải hiện đang phải chịu 2 thủ tục hành chính có nội dung tương đồng và trên thực tế đã xảy ra trường hợp yêu cầu của các cơ quan quản lý chưa thống nhất tại các giấy phép, làm doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.
Việc phân cấp cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dựa trên phân cấp quản lý công trình, không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, cơ sở xả thải với quy mô không lớn, thuộc thẩm quyền quản lý hồ sơ môi trường của UBND cấp huyện nhưng lại phải xin cấp giấy phép xả thải ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu các thủ tục hành chính này vẫn được tiếp tục thực hiện tại các cơ quan nêu trên thì sẽ khó thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Công trình thủy lợi chỉ là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước, việc quy định có nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay sẽ không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Thực tế, hoạt động xả thải của doanh nghiệp trên 1 đoạn sông (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi quản lý) nhưng có thể tác động đến cả lưu vực (do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường quản lý), khi xảy ra ô nhiễm thì trách nhiệm lại thuộc về ngành tài nguyên và môi trường.
Bởi vậy, để bảo đảm thống nhất quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và vẫn bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã đưa ra quy định tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi bằng giấy phép môi trường.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý công trình thủy lợi. Theo đó, cơ quan quản lý công trình thủy lợi sẽ tham gia ngay từ đầu trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để dự án triển khai, cho đến khi cấp giấy phép môi trường để dự án đi vào hoạt động đối với những dự án có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi. Dự thảo Luật cũng quy định nội dung Giấy phép môi trường đối với các dự án này phải có đánh giá và biện pháp bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường đối với công trình thủy lợi.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh, việc tích hợp này sẽ mang tính đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; đồng thời cũng tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước ngành tài nguyên và môi trường với cơ quan quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong quá trình kiểm soát dự án đầu tư, từ giai đoạn nghiên cứu khả thi cho đến khi dự án đi vào hoạt động.
Bài 2: Thu hẹp đối tượng phải đánh giá tác động môi trường