Suất ăn cho học sinh sẽ được chế biến từ thực phẩm trong chuỗi thực phẩm an toàn

Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, các nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căn tin trong trường học tại quận 3 và quận 5 (TP Hồ Chí Minh) sẽ phải sử dụng thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được công nhận của thành phố.

Theo Ban an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 2.821 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống trong trường học, trong đó có 1.620 bếp ăn tập thể, 883 căn tin, 318 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.


Theo đó, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm trong nhà trường. Cụ thể, năm 2014 xảy ra 1 vụ với 97 học sinh ngộ độc; năm 2015 xảy ra 1 vụ với 65 học sinh ngộ độc; năm 2016 xảy ra 2 vụ với 127 học sinh ngộ độc và trong tháng 9 năm 2017 đã xảy ra 1 vụ với 16 học sinh ngộ độc.


Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho rằng thời gian qua, một số trường học nhận suất ăn sẵn từ các cơ sở ngoài nhà trường cung cấp vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm nên phải quan tâm hơn các cơ sở này. Trong đó, một trong những đối tượng có nguy cơ về an toàn thực phẩm rất cao là nhóm lớp mầm non tư thục.


Nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của học sinh, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học trên địa bàn thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch liên tịch “Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ năm 2017 đến hết năm 2019”.


Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phối hợp Ban an toàn thực phẩm sẽ tập huấn kiến thức an toàn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác tự kiểm tra an toàn thực phẩm và đội ngũ cán bộ phụ trách căn tin, bếp ăn tập thể trong trường học. Mục tiêu quan trọng của kế hoạch liên tịch là 100% các cơ sở bếp ăn, căn tin trong trường học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bếp ăn phục vụ cho học sinh sẽ sử dụng thực phẩm từ chuỗi thực phẩm an toàn. Ảnh ST

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căn tin trong trường học sử dụng thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được công nhận của thành phố, cơ sở đạt các chứng nhận HACCP,(phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn); VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), GlobalGap (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)…


Trưởng Ban an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trong thời gian tới, Ban an toàn thực phẩm và Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua hệ thống thanh tra; đội quản lý an toàn thực phẩm thành phố sẽ phối hợp với các quận, huyện kiểm tra các bếp ăn tập thể từ 2 – 3 lần/năm và kiên quyết khi xử lý các sai phạm xảy ra.


Trước đó, các bếp ăn tập thể và các trường học sẽ tự kiểm tra về an toàn thực phẩm tại đơn vị mình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là xây dựng quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm tại các trường học. Dự kiến, trong tháng 10 hoặc tháng 11, Ban an toàn thực phẩm Thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp tổ chức diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm tại trường học.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Nguy cơ tan rã Đồng bằng sông Cửu Long
Nguy cơ tan rã Đồng bằng sông Cửu Long

Lượng phù sa đổ về mất dần đang đẩy Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với nguy cơ tan rã do sự biến đổi của biến đổi khi hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN