Tái chế rác thải, nguồn lợi còn bỏ ngỏ

Tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải là xu hướng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Tuy nhiên, hiện nay việc tái chế nguồn rác thải này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Bãi rác Thung Trâu, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) không được xử lý đúng quy trình, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN


Rác thải cũng là tài nguyên


Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lượng chất thải rắn (CTR) mỗi năm của cả nước ước tính khoảng 28,5 triệu tấn/năm, trong đó CTR sinh hoạt khoảng 19 triệu tấn/năm. CTR sinh hoạt ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% mỗi năm, đặc biệt là 2 thành phố lớn, trong đó tại Hà Nội lượng CTR sinh hoạt lên đến khoảng 6.500 tấn/ngày, và TP Hồ Chí Minh là khoảng 7.081 tấn/ngày.

Các chuyên gia đánh giá, việc phát sinh lượng CTR với số lượng lớn vừa là thách thức đối với môi trường nhưng cũng là cơ hội để phát triển nguồn năng lượng tái chế từ nguồn rác thải này. Có đến 50 - 70% lượng rác thải có chứa những hợp chất có thể tái chế, tạo ra nguồn năng lượng mới nhưng hiện nay số lượng chất thải được tái chế còn rất hạn chế. Trong khi đó, chi phí cho việc vận chuyển và xử lý rác thải hiện nay là khá cao, như TP Hồ Chí Minh mỗi năm phải chi hàng trăm tỉ đồng cho việc này.

Cùng với đó, phương pháp xử lý CTR phổ biến hiện nay là chôn lấp. Trên toàn quốc có khoảng 458 bãi chôn lấp chất thải có quy mô trên 1 ha, trong đó chỉ có 121 bãi là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại 337 bãi lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có nhiều bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã chưa được thống kê đầy đủ.

Theo đánh giá chung, biện pháp chôn lấp rác thải như hiện nay là thiếu an toàn, gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh và gia tăng khí mêtan (một loại khí gây hiệu ứng nhà kính), đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được các loại CTR có khả năng tái chế, tái sử dụng. Hiện nay, tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom chế biến thành phân hữu cơ compost còn thấp, mặt khác do chất lượng còn kém nên khó tiêu thụ.

Cần cơ chế cụ thể

Chiến lược về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% đô thị có công trình tái chế CTR, phân loại tại gia đình và 100% chất thải được thu gom, xử lý theo đúng tiêu chuẩn. Luật bảo vệ môi trường mới được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã đề ra yêu cầu cụ thể về quản lý; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải. Đồng thời, quy định chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh làm phát sinh chất thải phải có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng.

Mặc dù đã có những quy định cụ thể, nhưng thực tế, việc tái chế rác thải hiện nay còn nhiều khó khăn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Việt Nam có nguồn “tài nguyên” rác thải dồi dào, nhiều chất thải có thành phần hữu cơ cao, lợi thế cho xử lý chất thải kết hợp sản xuất điện năng nhưng việc quản lý, xử lý CTR sinh hoạt ở nước ta thời gian qua còn nhiều bất cập. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: “Việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải chưa được chú trọng. Việc đầu tư cho quản lý, xử lý chất thải còn chưa tương xứng, nhiều công trình xử lý đã được xây dựng và vận hành, nhưng cơ sở vật chất, hiệu suất xử lý chưa đạt yêu cầu”.

Cùng với đó, hoạt động tái chế tại Việt Nam còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, đa phần là các hộ sản xuất cá thể tại làng nghề với công nghệ, dây chuyền sản xuất, tái chế lạc hậu, thủ công. Hoạt động tái chế này cũng chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường.

Theo các chuyên gia, để sử dụng tốt nguồn “tài nguyên” này, trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTR. Triển khai đồng bộ các quy định về ưu đãi trong đầu tư xử lý CTR, huy động mọi nguồn lực và tăng đầu tư tài chính cho quản lý, xử lý chất thải rắn.

“Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xử lý chất thải đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng và nhân rộng các mô hình công nghệ xử lý CTR thu hồi năng lượng, mô hình xử lý/tái chế CTR tiên tiến và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải để tận dụng tốt nguồn “tài nguyên” này”, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định.


Thu Trang

Phát hiện phế liệu chứa rác thải y tế tại làng nghề tái chế nhựa
Phát hiện phế liệu chứa rác thải y tế tại làng nghề tái chế nhựa

Đoàn kiểm tra của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hưng Yên vừa mở đợt kiểm tra đột xuất tại làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN