Tai nạn giao thông vẫn gia tăng tại một số địa phương trong 9 tháng năm 2021

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG), 9 tháng năm 2021, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này do trong 3 tháng qua, cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, nên mật độ giao thông giảm, dẫn đến số vụ TNGT giảm theo. Tuy nhiên, đáng lo ngại là vẫn còn không ít địa phương gia tăng số vụ TNGT.

Vì sao vẫn gia tăng?

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng cho biết, 9 tháng qua (tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/9/2021), toàn quốc xảy ra hơn 8.100 vụ TNGT, làm chết gần 4.200 người, bị thương hơn 5.600 người. So với cùng kỳ, giảm hơn 2.500 vụ, giảm 817 người chết và giảm hơn 2.200 người bị thương.

Trong số hơn 5.000 vụ TNGT đã xảy ra, thì có hơn 20% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; hơn 10% do chuyển hướng không chú ý; 3,18% do vi phạm tốc độ xe chạy; 4,11% do sử dụng rượu bia và hơn 52% là các nguyên nhân khác.

Đáng chú ý, có 9 địa phương có số người chết do TNGT tăng cao là Quảng Bình, Tiền Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Thái Bình, Kiên Giang, Hậu Giang, Điện Biên, Quảng Trị, trong đó, có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Điện Biên, Quảng Trị.

Đặc biệt, nhiều địa phương vẫn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đơn cử như vụ TNGT tại Thanh Hóa ngày 22/3/2021 làm 7 người tử vong; 2 vụ TNGT ngày 16/3/2021 tại Hòa Bình và Nghệ An làm 5 người chết và 3 người bị thương; vụ TNGT tại Phú Thọ ngày 21/9/2021 làm 5 người bị thiệt mạng... 

Chú thích ảnh
Hiện trường một vụ TNGT. Ảnh: TTXVN.

Nguyên nhân, theo ông Khuất Việt Hùng, bên cạnh việc một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về ATGT, thì có tình trạng cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo công tác bảo đảm ATGT, nhất là kiểm soát xe quá tải, cả nể khi xử lý vi phạm, chưa đốc thúc lắp camera giám sát trên phương tiện...

"Từ nay đến cuối năm, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, sản xuất khôi phục, giao thông thông suốt trở lại. Đây chính là thách thức trong việc kiểm soát và duy trì giảm TNGT những tháng cuối năm, cần có các biện pháp khắc phục triệt để những nguyên nhân chủ quan nêu trên", ông Khuất Việt Hùng cho hay.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo ATGT 9 tháng năm 2021 do Ủy ban ATGTQG ngày 15/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Phạm Bình Minh yêu cầu các địa phương gia tăng TNGT báo cáo rõ nguyên nhân và tìm giải pháp tháo gỡ.

Lý giải số vụ TNGT gia tăng, lãnh đạo các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam... chia sẻ là do các địa phương tập trung phòng chống dịch bệnh, chưa quyết liệt đảm bảo ATGT, chưa hoàn thiện các tuyến đường tránh, chưa kiên quyết xử lý xe quá tải và ý thức người tham gia giao thông hạn chế...

Không đồng tình với các địa phương để TNGT gia tăng, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị những tháng còn lại của năm 2021, để kéo giảm TNGT, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 và kế hoạch năm ATGT 2021.

Riêng Bộ Công an có phương án chỉ đạo lực lượng chuyên ngành các địa phương bố trí nguồn lực bảo đảm ATGT trong bối cảnh nới lỏng giãn cách; thực hiện quyết liệt các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ATGT, nhất là các chuyên đề xử lý xe quá tải, chạy quá tốc độ, lắp camera giám sát... 

Tỷ lệ xe vận tải lắp camera thấp

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN), hiện có gần 200.000 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera giám sát. Trong đó, xe khách có sức chứa từ 9 chỗ hơn 116.000 xe, xe vận tải hàng hóa bằng container, đầu kéo hơn 83.000xe.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có gần 15.500 xe lắp camera, đạt tỷ lệ 7,5%. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Thêm vào đó, thời gian qua, có khoảng trên 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải, với gần 200.000 xe thuộc diện phải lắp camera có vay vốn ngân hàng đầu tư phương tiện, song, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả tiền lãi ngân hàng, lương lái xe, đóng bảo hiểm, nộp các khoản thuế và chi phí lắp camera... Theo báo cáo của các Sở GTVT, việc thực hiện quy định lắp camera giám sát theo Nghị định 10/2020 khó đảm bảo tiến độ theo quy định tại Nghị định.

“Đã có một số Sở GTVT, Hiệp hội vận tải và doanh nghiệp đề nghị cho phép lùi thời hạn lắp camera hoặc tạm hoãn thời gian chưa xử lý vi phạm đối với hành vi chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.

TCĐBVN đang đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện lắp camera giám sát đúng quy định; đồng thời, thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra các địa phương có số lượng phương tiện phải lắp camera lớn, đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt phương tiện vận tải chưa lắp camera giám sát đến ngày 31/12/2021. Để đảm bảo ATGT, phòng chống dịch bệnh, các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng phải yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera theo quy định.  

Vân Sơn/Báo Tin tức
Kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
Kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1726/QĐ-TTg kiện toàn nhân sự Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Ủy ban.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN