Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo đảm trật tự - an toàn giao thông và tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn cả nước, đặc biệt về công tác quản lý nhà nước đối với phương tiện thủy loại nhỏ, phương tiện gia dụng. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhằm chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong quản lý, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa nhất là đối với các phương tiện thủy loại nhỏ, phương tiện thủy gia dụng, đò khách qua sông.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao quốc gia, công tác bảo đảm trật tự - an toàn giao thông đường thủy nội địa thời gian qua đã đạt được những kết quả rõ rệt, trật tự, kỷ cương của hoạt động giao thông vận tải thủy được lập lại. Các tuyến luồng giao thông thông thoáng; ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, tình hình trật tự - an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự - an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong 10 tháng năm 2020, trên các tuyến đường thủy nội địa xảy ra 52 vụ tai nạn, làm chết 41 người, làm bị thương 5 người, so với cùng kỳ năm trước tăng 2 vụ (4%), tăng 20 người chết (khoảng 95%), giảm 2 người bị thương (gần 29%).
Còn theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trên cả nước đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông (chiếm gần 32% tổng số vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 26 người, bị thương 2 người) có liên quan đến phương tiện gia dụng không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ với tổng công suất máy đến 15CV, phương tiện có sức chở đến 12 người. Điều này cho thấy các vụ tai nạn liên quan đến các phương tiện trên chiếm tỉ lệ lớn trong phần tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Điển hình là 4 vụ lật thuyền xảy ra ở Quảng Nam, Bến Tre và Thừa Thiên - Huế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 18 người chết.
Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao, kỹ năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện kém, vẫn còn tình trạng vi phạm quy tắc tránh, vượt, không nhường đường; chở quá tải; đi không đúng luồng tuyến. Đặc biệt là tình trạng chở quá số người quy định khiến khi gặp điều kiện bất lợi t hì sẽ gây mất cân bằng và đắm tàu thuyền cao…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện thủy loại nhỏ, phương tiện thủy gia dụng.
Theo đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), để giải quyết tồn tại, bất cập về các quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự - an toàn giao thông trước hết cần sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về đường thủy nội địa, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo hướng: nghiên cứu để xây dựng Nghị định mang tính đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành quy định của pháp luật đối với người tham gia giao thông đường thủy nội địa và trong các tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, cần xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính hoặc bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa như: không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là đối với người và hành khách đi trên phương tiện loại nhỏ, phương tiện gia đình; hành vi đưa phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn vào hoạt động trên đường thủy nội địa; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang an toàn sông, kênh; hành vi tạo chướng ngại vật trên đường thủy nội địa; hành vi chở quá tải trọng cho phép…
Bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, kiến nghị: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Công an cần đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt nhằm đảm bảo đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự - an toàn giao thông đường thủy, trong đó có hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1-15 tấn hoặc có sức chở từ 5-12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa mà không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Bên cạnh đó, cần bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc về mặc áo phao hoặc mang theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên các loại phương tiện nêu trên…