Tăng cường phòng, chống COVID-19 ở vùng sâu, vùng xa, biên giới

Tỉnh Tây Ninh có 2 cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Xa Mát tiếp giáp Campuchia, với số lượng hành khách nhập cảnh rất lớn.

Các điểm du lịch tâm linh Núi Bà Đen, Tòa thánh Tây Ninh, khu Di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng... có lưu lượng hành khách cao. Đặc biệt, chủ công ty, lao động kỹ thuật từ Trung Quốc trong các khu công nghiệp số lượng lớn nên tiềm ẩn nguy cơ dịch xâm nhập. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với COVID-19, cùng với huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, để chủ động tình huống có thể xảy ra, tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa dịch bệnh tại các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát. Các cửa khẩu quốc gia, đường mòn, lối mở khu vực biên giới và các khu công nghiệp đều được kiểm soát chặt chẽ người qua lại.

Tỉnh Tây Ninh đang thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe của 12 trường hợp là những chuyên gia, chủ doanh nghiệp đến từ các cùng có dịch; trong đó tại Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu 4 trường hợp, Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - K71 có 8 trường hợp. Hiện tại, các trường hợp cách ly đều có sức khỏe ổn định, không sốt.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân đã yêu cầu các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống COVID-19. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đồng ý đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh để học sinh trong tỉnh đi học trở lại vào ngày 17/2 nhưng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như tiêu độc khử trùng, dọn dẹp vệ sinh trong khuôn viên trường học. Tỉnh Tây Ninh quyết định trang bị máy đo thân nhiệt tại các trường học để kiểm tra sức khỏe học sinh trong trường hợp cần thiết.

*Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, ngoài tăng cường công tác phòng, chống dịch tại thành phố, nơi tập trung đông người, tỉnh Gia Lai chú trọng tuyên truyền ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa hướng dẫn bà con cách rửa tay, giữ vệ sinh cá nhân góp phần phòng chống dịch. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Do người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số, sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh Gia Lai đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về dịch bệnh tại các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân biết cách phòng tránh. Ngoài kết hợp tuyên truyền trong các cuộc họp làng, tỉnh Gia Lai còn phân công đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trực tiếp đến từng nhà phát tờ rơi giúp người dân nắm rõ hơn về tình hình dịch bệnh.

Theo ông Vũ Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa, lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng thôn, đặc biệt là các chức sắc tôn giáo là những tuyên truyền viên sâu sát nhất với người dân, truyền đạt tốt nhất thông tin dịch bệnh để người dân biết cách tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Ông Yêr, già làng làng Đê Klanh, xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa chia sẻ, qua các buổi tuyên truyền của chính quyền địa phương, người dân đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và biết cách phòng tránh. Đồng bào đã chủ động dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh chuồng trại, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Hiện nay đang là thời điểm các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tổ chức nhiều lễ hội lớn như Pơthi, Cúng bến nước… Chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân dời thời gian tổ chức để hạn chế tập trung đông người, tránh việc lây nhiễm dịch bệnh.

Ông Rơ Châm Dỡn, làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai cho biết: Qua công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương, người dân đã lùi lại lịch tổ chức lễ Pơthi. Đây là việc chưa từng có từ trước đến nay của dân làng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền và cán bộ y tế.

Tính đến ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 3 trường hợp đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả ba bệnh nhân đều âm tính với COVID-19. Ngoài ra, địa bàn tỉnh còn có 4 trường hợp đi về từ các tỉnh, thành của Trung Quốc. Sau 14 ngày theo dõi, cách ly, các trường hợp này không có biểu hiện sốt, ho nên đã được trở về học tập, lao động, sinh hoạt bình thường.

Đức Hoảnh - Hồng Điệp (TTXVN)
Các địa phương chủ động phòng, chống COVID-19
Các địa phương chủ động phòng, chống COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN