Sau khi lũ rút, ngành Y tế thành phố và chính quyền địa phương đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường bằng việc phun hóa chất khử trùng tại các khu vực bị ngập lụt; phun hóa chất, vệ sinh môi trường ở 14 chợ, 78 trường học; hướng dẫn hàng nghìn hộ xử lý nguồn nước sinh hoạt, đồng thời thu gom xác gia súc, gia cầm bị chết để xử lý.
Theo bác sỹ Nguyễn Tam Lãm, sau mưa lũ, nguy cơ sẽ bùng phát các bệnh tiêu hóa, bệnh da liễu, bệnh về mắt đỏ do nhiễm khuẩn, bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết. Do đó, người dân cần có các biện pháp để chủ động phòng, chống các loại bệnh này. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ các địa phương 2 máy phun thuốc, trên 150 kg hóa chất xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; gần 100 lít hóa chất diệt muỗi chống dịch bệnh sốt xuất huyết...
Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng khuyến cáo người dân cần lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng. Bên cạnh đó, người dân cần tích cực tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm cho biết thêm, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 6.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng trên 2.700 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Đáng nói, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng, từ ngày 6-12/11, thành phố Đà Nẵng ghi nhận 190 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 60 trường hợp so với tuần trước đó.