Ngày 22/11, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN về nhiệm vụ công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã. Thừa nhận những khó khăn còn chồng chất với công tác bảo vệ rừng, cũng như khó khăn mà lực lượng kiểm lâm đang phải đối mặt, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng nghiêm khắc: “Không thể cứ mãi bài ca muôn thuở: biên chế ít, chế độ phải tăng cường!”.
Sẽ phủ kín kiểm lâm “cắm xã”
Trước những yêu cầu của công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện nay, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, mục tiêu từ nay đến 2015, những xã có rừng cần bố trí kiểm lâm địa bàn.
Một kiểm lâm “giữ” trên 3.000 ha rừng
Anh Lò Văn Hùng về làm kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu từ tháng 3/2011 đến nay. Đây là vùng đệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn. Anh Hùng cùng một kiểm lâm địa bàn phụ trách diện tích rừng khoảng 3.500 ha. Với anh Hùng, nhiệm vụ như vậy khá nặng nề. Diện tích phụ trách rộng, giao thông hiểm trở, đi lại khó khăn đã khiến công tác bảo vệ rừng bị ảnh hưởng. Hơn 1 năm về “cắm xã”, không ít lần anh gặp tình huống nguy hiểm khi tuần tra bảo vệ rừng. Có lần phát hiện đối tượng mang lâm sản ở rừng ra, anh ngăn chặn và đã bị tấn công. “Công cụ hỗ trợ cho chúng tôi làm nhiệm vụ hiện nay có thể nói là cũng tạm ổn, gồm súng hơi cay, roi điện, gậy cao su… Cái thiếu nhất là người”, anh Hùng nói.
Lực lượng kiểm lâm Vĩnh Phúc kiểm tra, đối chiếu giữa bản đồ và thực tế việc sử dụng đất rừng. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN |
Tình trạng một kiểm lâm phải phụ trách nhiều diện tích rừng không chỉ là câu chuyện riêng ở Lai Châu. Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng, tỷ lệ kiểm lâm địa bàn bình quân trong cả nước còn thấp. Nhiều địa phương chỉ bố trí công chức kiểm lâm kiêm nhiệm phụ trách địa bàn hoặc bố trí một công chức kiểm lâm phụ trách nhiều xã. Do địa bàn rộng, sinh hoạt khó khăn nên kiểm lâm địa bàn khó có thể hoàn thành hết nhiệm vụ.
Tổng biên chế kiểm lâm địa bàn toàn quốc hiện là 4.419 người, chiếm 37,5% tổng số nhân lực toàn ngành. Số kiểm lâm địa bàn này đang phụ trách 5.531 xã. Kết quả theo dõi diễn biến rừng cho thấy, đến hết năm ngoái, cả nước có 13,5 triệu ha rừng nằm trên 6.093 xã. Như vậy, mỗi kiểm lâm địa bàn đang phải phụ trách 3.058 ha rừng.
Chính vì vậy, nhu cầu bổ sung biên chế vẫn là một nhu cầu bức thiết.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, hiện nay còn khoảng hơn 700 xã cần có kiểm lâm địa bàn mà chưa có. Chắc chắn trong thời gian từ nay đến 2015, những xã cần có kiểm lâm địa bàn sẽ được phủ kín. Có như thế mới bảo đảm được 100% số xã có rừng được bố trí kiểm lâm địa bàn. Hiện nay, theo đúng quy định, xã có từ 500 ha rừng trở lên bố trí một kiểm lâm địa bàn, xã có dưới 500 ha rừng bố trí một người phụ trách hai xã.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu vấn đề: “Không thể cứ mãi bài ca muôn thuở: biên chế ít, chế độ phải tăng cường! Cần đào tạo anh em nâng cao trình độ, lựa chọn người một cách có chất lượng, nếu tăng biên chế mãi, ngân sách không thể chịu nổi. Bởi thực tế cho thấy ở miền núi phía bắc, vẫn có nơi kiểm lâm địa bàn đời sống khó khăn nhưng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Chưa thật sự gắn địa bàn
Lực lượng kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước có chức năng bảo vệ rừng, tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Nhằm đưa các hoạt động của lực lượng kiểm lâm gắn với nhân dân, với chính quyền cơ sở, theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng; thực hiện bảo vệ rừng tại gốc…, ngày 4/10/2007, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN về nhiệm vụ công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã.Nhận xét về hiệu quả của hoạt động kiểm lâm địa bàn, TS Nguyễn Hữu Dũng nói: “5 năm qua, kiểm lâm địa bàn đã có vai trò rất quan trọng góp phần đáng kể trong việc làm tăng độ che phủ rừng toàn quốc và làm giảm số vụ vi phạm lâm luật”.
Trên thực tế, tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng đã giảm nhưng số vụ vi phạm hàng năm vẫn ở mức cao. Trong giai đoạn 2007 - 2011, bình quân mỗi năm xảy ra 34.621 vụ vi phạm. Thậm chí, rất nhiều vụ khai thác rừng trái phép xảy ra trên địa bàn nhưng kiểm lâm địa bàn không phát hiện được hoặc phát hiện chậm. Theo nhận định của Cục trưởng Cục Kiểm lâm, một trong những nguyên nhân đó là hoạt động của kiểm lâm địa bàn chưa thật sự gắn bó với cơ sở.
Nguyên nhân của vấn đề này là: Điều kiện làm việc và sinh hoạt của kiểm lâm địa bàn còn nhiều khó khăn và chưa được quan tâm giải quyết hợp lý. Đa phần các xã, phường, thị trấn chưa bố trí được nơi làm việc và sinh hoạt cho kiểm lâm địa bàn.
Theo anh Lò Văn Hùng, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu, điều kiện sinh hoạt của kiểm lâm địa bàn còn khó khăn. Anh Hùng phải ở cùng 7 kiểm lâm địa bàn phụ trách các xã khác. “Cứ mỗi lần đi địa bàn thì phải ăn, ngủ khoảng 2 đến 3 ngày ở xã là chuyện bình thường”, anh Hùng chia sẻ.
Thực tế, kiểm lâm địa bàn hiện đang được tổ chức hoạt động theo ba hình thức: sinh hoạt tại trạm kiểm lâm địa bàn, tại xã và tại Hạt kiểm lâm. Những hình thức này đều có những bất cập. Nếu sinh hoạt tại trạm thì sự gắn kết của kiểm lâm địa bàn với xã chưa thường xuyên, có trường hợp kiểm lâm địa bàn ít đi cơ sở. Kiểm lâm được bố trí nơi ở và nơi làm việc tại xã thì lực lượng bị phân tán, khó huy động và trong nhiều trường hợp xử lý đối tượng vi phạm lâm luật là người dân địa phương rất khó bởi sự nể nang quen biết. Còn lại, nếu sinh hoạt tại Hạt kiểm lâm thì sự gắn kết giữa kiểm lâm địa bàn với địa phương và nhân dân thiếu chặt chẽ, phát hiện và xử lý vi phạm không kịp thời.
Cũng tại hội nghị, ý kiến từ nhiều chi cục kiểm lâm còn chỉ ra nhiều hạn chế và bất cập trong chất lượng của kiểm lâm địa bàn. Bên cạnh trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của đa số kiểm lâm địa bàn còn chưa đáp ứng được so với nhiệm vụ được quy định tại Quyết định 83, vẫn còn “số ít kiểm lâm tha hóa, tiêu cực, tiếp tay cho lâm tặc hoặc bỏ địa bàn được phân công”.
Mạnh Minh