Phòng Thu nhiều địa phương không thực hiện hết chức năngTheo ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết tháng 10/2017, công tác thu bảo hiểm xã hội bắt buộc mới đạt 95,2% và thu bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 58,9% so với kế hoạch được giao. Nhiều địa phương chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế chưa đạt được theo Quyết định 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 – 2020. Số nợ đến thời điểm trên là 6,3% số phải thu, trong đó nợ dưới 6 tháng chiếm tỷ trọng cao: nợ bảo hiểm xã hội 7.300 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế của các đơn vị sử dụng lao động 1.569 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội chủ động nộp tiền nợ đọng bảo hiểm sau thanh tra. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN |
Yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương tập trung vào công tác khai thác và phát triển đối tượng những tháng cuối năm, ông Đại nêu rõ, bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ không giảm chỉ tiêu phát triển đối tượng nếu các địa phương chưa thực hiện hết các giải pháp. Hiện nay, cơ quan Thuế đang quản lý gần 600 ngàn doanh nghiệp, nhưng đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội chỉ trên 250 ngàn... Các đại lý thu hoạt động nhưng không đúng quy định dẫn đến hiệu quả không cao cũng sẽ không thực hiện giảm chỉ tiêu thu bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông Đại cũng yêu cầu các đơn vị tập trung cho công tác thu đôn đốc thu nợ trong những tháng còn lại, tập trung vào những doanh nghiệp nợ dưới 6 tháng, thanh tra chuyên ngành đối với những doanh nghiệp nợ trên 6 tháng. Phấn đấu giảm nợ xuống dưới 3%.
Qua đi thanh tra, kiểm tra và phản ánh của các đơn vị khi triển khai quy trình thu và quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, ông Đại cho rằng hiện Phòng Thu ở nhiều địa phương không thực hiện hết chức năng, dẫn đến nhiều đơn vị nợ trên 3 tháng mới chuyển sang phòng thu nợ đôn đốc, là nguyên nhân để tình trạng nợ đọng cao. Cán bộ thu không trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp mà chỉ gửi thông báo, hoặc làm qua nhân viên làm nhân sự dẫn đến có chủ sử dụng lao động không biết cơ cấu khoản nợ, cách tính lãi.
Theo báo cáo của các tỉnh, đến hết tháng 10/2017, đã có 2.328 cuộc thanh tra chuyên ngành về đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tất cả các địa phương đều đã có quyết định thanh tra chuyên ngành nhưng chưa nhiều. Thông tin được Phó Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu đưa ra là trong số 4.700 cuộc thanh, kiểm tra về đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì số thanh tra chỉ là 2.328 cuộc. Quy trình thu nợ đã có, đội ngũ thanh tra có, nhưng kết quả còn hạn chế. Việc khởi kiện theo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn không thể thực hiện được. Khởi kiện dân sự chỉ là biện pháp tình thế trong lúc chưa có công cụ thanh tra.
Ông Liệu nhấn mạnh: Sau 3 tháng nợ, hai lần thông báo (15 ngày một lần), phải ra quyết định thanh tra đột xuất việc chậm đóng bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp với Tòa án xây dựng thông tư hướng dẫn, việc thanh tra, xử phạt, doanh nghiệp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì chuyển hồ sơ sang công an và tòa án theo quy định của Luật Hình sự.
"Nếu không thanh tra thì không có cơ sở để xử lý hình sự. Không thanh tra là lỗi của ngành bảo hiểm xã hội", ông Liệu nêu rõ; yêu cầu toàn ngành tăng cường thanh tra các đơn vị nợ để giảm thấp nhất nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Tăng cường giám sát việc cấp mã quyền lợi ghi trên thẻ bảo hiểm y tế Về việc rà soát, cấp mã số bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng ban Sổ, thẻ (bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, toàn quốc đã thực hiện cấp mã số bảo hiểm xã hội đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quản lý thu, sổ - thẻ với cơ sở dữ liệu hộ gia đình cho 62 triệu người đang tham gia, đạt 83,4%, còn 12,4 triệu người chưa có mã số bảo hiểm xã hội, chiếm 16,6% (không bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và khối lực lượng vũ trang). Trong đó, 23 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ cao từ 85% trở lên như: Hà Nam, Cao Bằng, Đồng Nai, Bình Dương, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Lào Cai, Vĩnh Long, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, An Giang.
Hiện có trên 7,2 triệu người được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội, đạt 9,6%. Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng là những địa phương cấp thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội có số lượng lớn.
Đại diện bảo hiểm xã hội Bộ Công an cho biết, hiện chưa có dữ liệu cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo hiểm y tế trên hệ thống thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cơ quan này sẽ phối hợp để đưa thông tin lên hệ thống, làm sao vừa đảm bảo thuận tiện cho cán bộ, chiến sỹ khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, vừa bảo mật các thông tin liên quan.
Theo ông Trần Đình Liệu, thời gian qua, bảo hiểm xã hội các địa phương chưa hiểu hết nên mới quan tâm đến việc cấp mã số bảo hiểm xã hội mà chưa quan tâm đến cơ sở dữ liệu của quá trình người tham gia bảo hiểm xã hội. Có tình trạng một số tỉnh in mã số mới cho người tham gia bảo hiểm y tế lên tuyến trên khám chữa bệnh nhưng làm thiếu thao tác, trên cổng thông tin dữ liệu không có, người tham gia bảo hiểm y tế phải lấy mã mới, nhưng mã quyền lợi bị mất, mất thông tin đóng bảo hiểm y tế 5 năm liên tục, ảnh hưởng đến quyền lợi khi đi khám chữa bệnh. Nhiều trường hợp về Hà Nội để khám chữa bệnh lại phải trở về địa phương để đổi thẻ bảo hiểm y tế, đây là việc làm không đúng chủ trương chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính.
Chỉ đạo Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh tăng cường giám sát việc cấp mã quyền lợi ghi trên thẻ bảo hiểm y tế đúng quy định, ông Trần Đình Liệu nêu rõ: Thẻ bảo hiểm y tế đã đồng bộ thì cơ sở dữ liệu thu bảo hiểm y tế phải đồng bộ, mã quyền lợi và đối tượng phải đúng danh sách và quá trình tham gia. Thẻ bảo hiểm y tế phải in đủ quyền lợi, mã quyền lợi, thời gian tham gia. In và đổi thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội cho toàn bộ người tham gia có mã số bảo hiểm xã hội, chậm nhất đến 30/6/2018 phải xong việc đổi thẻ bảo hiểm y tế mới.