Nhưng, việc tăng này cần tính toán kỹ và phải có lộ trình; trước mắt, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất giữ nguyên quy định về tuổi hưu hiện tại, đồng thời, linh hoạt đối với 2 nhóm đối tượng. Nội dung này được nêu tại Hội thảo góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi về tuổi nghỉ hưu do Hội Doanh nhân nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tổ chức ngày 17/4.
Giảm gánh nặng cho quỹ hưu trí
Quỹ hưu trí, tử tuất là thành phần quỹ chính của Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ, TB&XH), quỹ này đang chịu gánh nặng chi trả lớn do phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 tuổi. Số lượng phụ nữ hưởng lương hưu ngày càng tăng sẽ gây nên gánh nặng cho quỹ hưu trí.
Hiện nay, số lượng người đang hưởng lương hưu ít hơn rất nhiều so với số lượng người đang đóng bảo hiểm. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ở nước ta đang diễn ra tình trạng 9 người đóng bảo hiểm cho 1 người hưởng lương hưu. Tuy nhiên, tình trạng tài chính sẽ không thể bền vững trong dài hạn, khi dân số già hóa, tỷ lệ này sẽ ngày càng giảm.
Theo tính toán, với mức đóng góp và số hưởng như hiện nay, đến năm 2023 thì số thu bằng số chi. Đến năm 2037, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả. Các năm sau đó số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu trong năm.
TS. Nguyễn Thị Lan Hương phân tích, việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ có nhiều điểm tích cực, trong đó, đặc biệt là giảm gánh nặng tài chính cho quỹ hưu trí. Nếu nâng quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thêm 1 năm, từ tuổi 55 lên tuổi 56, sẽ dẫn tới giảm số lượng người về hưu mới. Những phụ nữ đến tuổi 55 sẽ tiếp tục làm việc tới khi họ đến tuổi 56. Tuy nhiên, vẫn phải giữ quy định về những nhóm phụ nữ được quyền nghỉ hưu sớm hơn. Ví dụ những phụ nữ bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên... vẫn có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn.
Trong tương lai, gánh nặng chi trả lương hưu sẽ tăng, khi số lượng lớn lao động ở khu vực tư nhân tham gia BHXH từ năm 1995 đến tuổi được hưởng lương hưu (khu vực tư nhân mới được tham gia BHXH từ năm 1995). Nếu vẫn giữ quy định phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm, ước tính gánh nặng chi trả lương hưu năm 2020 sẽ tương đương với 1,3% của GDP. Hậu quả là sẽ không có khả năng tăng mức hưởng (mức lương hưu) mà lại phải tăng mức đóng góp trong tương lai; đồng thời, tăng nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội và người dân sẽ phải nộp thuế cao hơn để bù đắp phần thiếu hụt này.
“BHXH là một trong những trụ cột quan trọng và cơ bản nhất của chính sách an sinh xã hội. Nếu chúng ta không thực hiện tốt thì vấn đề an sinh xã hội trong tương lai không đảm bảo”, ông Bùi Sỹ Lợi nói. Chính vì thế, việc điều chỉnh tuổi hưu cho lao động nữ lên thêm 5 năm nữa chính là một trong những biện pháp góp phần đảm bảo cân bằng cho Quỹ BHXH.
Cân nhắc lộ trình phù hợp
Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của lao động nữ đang thu hút sự quan tâm và tranh luận của toàn xã hội nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong phương hướng giải quyết.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trước mắt, Ủy ban đề xuất sẽ tạm thời giữ quy định hiện hành với tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, nhưng trong tương lai nhất thiết phải điều chỉnh. Ngoài quy định nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi thì sẽ “nới” cho một vài nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất là nhóm đối tượng làm việc ở vùng sâu, vùng xa và nơi độc hại nguy hiểm và lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhóm thứ 2 là những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao như PGS, GS, TS, nhà khoa học và bác sĩ.
Tuy nhiên, việc nâng dần tuổi hưu với một số đối tượng cũng cần có lộ trình và tiến hành từng bước. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH, theo kinh nghiệm các nước nếu chúng ta sửa quy định tuổi hưu cho lao động theo hướng tăng dần tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ thì lộ trình phải kéo dài trong vòng 5 năm. Còn theo đại diện Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Bộ LĐ, TB&XH), việc linh hoạt tuổi hưu cho lao động nữ là cần thiết nhưng phải có cơ sở khoa học, có căn cứ cụ thể, như thế mới hướng tới sự bình đẳng giới một cách thực chất.
Còn theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, cuộc cải cách tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cần thực hiện theo lộ trình từng bước để tránh khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi, việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ gây tác động tiêu cực tới năng suất lao động trong một số lĩnh vực nhất định. Vì thế, nếu thực hiện điều chỉnh dần dần, các doanh nghiệp này sẽ có cơ hội điều chỉnh các chính sách đầu tư và hoạt động của mình để duy trì sức cạnh tranh.
Kim Nhung