Điều này đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều trong thực hiện các thủ tục, quy định yêu cầu, điều kiện kinh doanh.
Từ công khai các quy định...
Trong báo cáo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn cho biết, tính đến ngày 15/6, các bộ, cơ quan đã thực hiện cập nhật, công khai 12.451 quy định kinh doanh vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, gồm 4.243 thủ tục hành chính; 800 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; 2.678 yêu cầu, điều kiện; 818 chế độ báo cáo; 77 thủ tục kiểm tra chuyên ngành với 3.831 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; 77 quy định cấm, trong đó đã duyệt công khai 9.440 quy định.
Đồng thời, các bộ, ngành cũng cập nhật được 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 591 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp (trước khi trình Thủ tướng Chính phủ) hoặc theo dõi quá trình thực thi, sửa đổi văn bản (sau khi phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ đã tích cực đôn đốc các đơn vị triển khai việc rà soát, nhập liệu và chuẩn hóa dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Tính đến ngày 15/6, Bộ Y tế đã công khai 1.317 quy định (1 quy định về tiêu chuẩn quy chuẩn đang ở trạng thái chờ duyệt, 20 quy định bãi bỏ, 1296 quy định đã duyệt), trong đó bao gồm 301 thủ tục hành chính, 109 tiêu chuẩn quy chuẩn, 445 yêu cầu điều kiện, 23 chế độ báo cáo, 416 sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, 3 thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành và 2 quy định cấm.
Là bộ có nhiều quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhất, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cập nhật và công khai 2.341 quy định, chỉ còn 15 quy định chưa công khai.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy cũng còn nhiều bộ, ngành có nhiều quy định kinh doanh chưa được công khai trên hệ thống này như Bộ Giao thông vận tải mới công khai được 324 quy định, còn tới 1.583 quy định đã cập nhật nhưng chưa công khai. Hay Bộ Tài chính, còn 508 quy định chưa công khai, số đã cập nhật và công khai là 869 quy định. Đây là nguyên nhân vẫn còn tới 3.011 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tuy đã cập nhật nhưng chưa công khai thông tin dữ liệu trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
… đến loại bỏ những rào cản
Cùng với việc cập nhật, công khai các quy định, nhiều bộ đã quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 là 641 quy định, gồm 174 thủ tục hành chính; 26 yêu cầu, điều kiện; 15 chế độ báo cáo; 426 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại 56 văn bản quy phạm pháp luật (4 luật, 17 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 29 thông tư, thông tư liên tịch và 4 văn bản khác). Thực hiện tốt nhiệm vụ này là các Bộ: Lao Động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Tài chính; Ngân hàng nhà nước.
Bộ Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa 11 thủ tục hành chính và 3 yêu cầu điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực phân loại trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, Bộ đã giảm 50,4% số lượng dòng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (hiện tại còn 416 loại mặt hàng kiểm tra chuyên ngành).
So với kế hoạch của các bộ trong năm 2022, số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã giảm 54 văn bản, gồm 12 nghị định; 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 39 thông tư, thông tư liên tịch.
Văn phòng Chính phủ cho biết, các bộ, cơ quan đã sử dụng công cụ rà soát, tính chi phí tuân thủ để thực hiện rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của hai Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo.
Phương án của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị bãi bỏ 2 thủ tục và đơn giản hóa 80 thủ tục hành chính; dự kiến đưa vào sửa đổi, bổ sung 17 văn bản quy phạm pháp luật gồm 2 luật, 9 nghị định, 6 thông tư. Phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi 101 quy định kinh doanh tại 3 văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa của 8 Bộ: Lao động, Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo; Xây dựng, Y tế và Ngân hàng nhà nước Việt Nam, với 1.107 quy định, gồm 757 thủ tục hành chính; 39 chế độ báo cáo; 123 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, các bộ phải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 187 văn bản quy phạm pháp luật (12 luật, 6 pháp lệnh, 71 nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 95 thông tư, thông tư liên tịch) để thực thi các phương án đã được phê duyệt.
Để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, một số bộ đã xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 527 quy định kinh doanh. Việc tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức.
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho thấy, qua hoạt động thẩm định, Bộ và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã chú trọng loại bỏ các quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong quá trình thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử như Bộ Tư pháp đã đề nghị bãi bỏ, sửa đổi 2 quy định tại dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Qua hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị xử lý 6/8 văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Bài 4 - Khơi thông “điểm nghẽn”, củng cố niềm tin người dân, doanh nghiệp