Công ty TNHH MTV Nam Triệu sửa chữa tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định. Ảnh: Phạm Kha /TTXVN |
"Hiện Bộ đang phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét một cách toàn diện, kiểm điểm cá nhân và tập thể có liên quan để xử lý nghiêm, mức độ sai phạm đến đâu, xử lý đến đó", Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, hiện nay 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (12 chiếc) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (5 chiếc) đang khẩn trương sửa chữa, khắc phục các tàu cá vỏ thép bị hư hỏng.
Cụ thể, đối với Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đã thỏa thuận được với ngư dân thay máy mới cho tàu bị hỏng. Đến nay, đã có 7 tàu cá được Công ty Nam Triệu sửa xong, còn 5 tàu cá đang tiếp tục lắp đặt máy mới. Dự kiến đến 15/9 tới, 12 tàu cá do doanh nghiệp này sửa chữa sẽ hạ thủy và đi vào hoạt động.
Riêng đối với 5 tàu cá do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì vẫn đang gặp vướng mắc về yếu tố kỹ thuật (do chỉ số Mangan của thép không đủ tiêu chuẩn) nên đang chờ các chuyên gia đầu ngành vào kiểm tra và đề xuất biện pháp xử lý.
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, tính đến 31/7/2017, đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động; trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra sự cố, 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18), Quảng Nam (1) bị hư hỏng (rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản).