Trước việc liên tiếp xảy ra hỏa hoạn trên các tàu du lịch vỏ gỗ hoán cải, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho khách du lịch, tới đây Quảng Ninh có thể buộc phải dừng hoạt động của loại tàu du lịch này.
Hiện trường vụ tàu Ánh Dương QN 3598 bị cháy trên vịnh Hạ Long. |
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 13/2, tàu QN 2071 đang đỗ chờ khách tại khu vực Cửa Vạn trên Vịnh Hạ Long đã xảy ra sự cố cháy. Thuyền viên trên tàu đã nhanh chóng sơ tán tài sản của du khách và dập tắt đám cháy. Tàu QN 2071 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du thuyền Bhaya chở 7 khách du lịch nghỉ đêm (5 khách nước ngoài, 2 khách Việt Nam, cùng 5 nhân viên nhà tàu) trên vịnh Hạ Long.
Tại thời điểm phát hiện ra sự cố, toàn bộ du khách trên tàu đã rời tàu tham gia chèo thuyền Kayak tại khu vực Cửa Vạn, trên tàu chỉ có nhân viên nhà tàu. Ngay khi phát hiện sự cố, nhân viên trên tàu đã nhanh chóng sơ tán tài sản của du khách và kịp thời dập tắt đám cháy.
Nhận được tin báo, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ huy công tác cứu hộ và chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố. Tàu QN 2071 là tàu vỏ gỗ được đóng năm 2003 và hoán cải năm 2012. Tàu có 3 cabin.
Đây là vụ cháy tàu thứ hai trong năm 2017. Trước đó là vụ cháy tàu du lịch vỏ gỗ mang tên Ánh Dương QN 3598 trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vào sáng 10/1. Cả hai tàu cháy Ánh Dương và Bhaya đều là tàu du lịch vỏ gỗ hoán cải theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2010 trở lại đây.
Tuy nhiên, theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm làm nghề đóng và kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, cách "hoán cải" này không đem lại an toàn cao cho tàu mà chỉ đơn thuần để chủ tàu “lách luật”, kéo dài độ tuổi khai thác, kinh doanh, tiết kiệm chi phí so với việc đóng mới tàu vỏ thép.
Các tàu gỗ đã cũ được hoán cải, nâng cấp hoặc bọc vỏ composit thì bản chất vẫn là tàu vỏ gỗ. Lớp thân vỏ, cách âm, cách nhiệt làm bằng vật liệu dễ cháy, cộng thêm hệ thống điện trong tàu đã cũ nên nguy cơ chập cháy rất cao.
Đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long được hình thành từ năm 1989. Ban đầu, một số phương tiện nhỏ (vỏ gỗ, trọng tải từ 10 đến 20 khách) được chuyển đổi từ đò chở khách sang phục vụ khách du lịch tham quan trên vịnh. Tàu vỏ gỗ có hệ thống điện phức tạp, phụ tải tiêu thụ điện lớn (điều hòa, tủ lạnh, ti vi...), khả năng chống cháy, chống chìm, chịu va đập thấp hơn so với tàu vỏ thép.