Theo đó, nghị định 90/2017/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 15/9 nhằm giúp nâng cao ý thức của người dân trong việc nuôi chó bằng những quy định xử phạt hành chính nặng hơn, có tính răn đe.
Những chú chó chạy rông ra đường bị bắt giữ và chờ chủ nuôi đến nhận. |
Theo chị Nguyễn Thị Trang (ngụ ở
quận 9), nếu người nuôi chó có ý thức thì không cần phải nói, nhưng chủ
nuôi vô ý thức thì các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý.
Chẳng
hạn như ở khu nhà chị Trang, sáng nào chị cũng phải dọn dẹp những đống
phân chó “không ai chịu nhận” ngay trước nhà, bởi khu vực nhà chị Trang
có 2 hộ nuôi chó, mỗi buổi sáng hai hộ này đều thả chó chạy ra đường đi
vệ sinh rất phản cảm. Nhiều lần chị Trang có phản ánh với chủ nuôi thì
họ cũng đi dọn "hậu quả" nhưng cũng được vài ngày rồi đâu lại vào đấy.
“Chuyện
đi vệ sinh không đúng nơi của các chú chó ở thành phố hiện nay chỉ là
một bức xúc nhỏ, bức xúc nhất là chuyện chó cắn người và lây bệnh dại
cho người. Như hai chú chó ở khu vực nhà tôi khi ra đường không bao giờ
thấy đeo rọ mõm, khu nhà tôi ở lại rất nhiều trẻ con vì vậy tôi rất lo
lỡ có ngày nó cắn phải em bé nào thì sẽ rất nguy hiểm. Những hộ dân ở
khu nhà tôi cũng đã cùng kiến nghị lên phường về tình trạng này, phường
cũng đã xuống nhắc nhở hai hộ dân nuôi chó này. Tuy nhiên tình trạng đó
vẫn lặp lại, tôi nghĩ rất cần một hình thức phạt, cảnh cáo nặng hơn để
các hộ này thay đổi”, chị Trang cho biết thêm.
Không chỉ bức xúc chuyện chó ra đường không rọ mõm hay đi vệ sinh không đúng nơi quy định, nhiều người dân còn bức xúc chuyện chó thả rông gây mất an toàn giao thông cho người dân. Anh N.G (ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, gia đình anh có người em gái trên đường đi làm về không may đã cán phải một con chó chạy băng ngang đường, hậu quả làm chị té xe bị chấn thương sọ não và phải nằm liệt điều trị nhiều năm.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đã bắt đầu có hiệu lực từ 15/9 với nhiều mức phạt hành chính về hành vi nuôi chó, mèo được tăng lên gấp 2 - 3 lần so với nghị định cũ. Chẳng hạn như đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp chủ nuôi chó chưa chấp hành và vẫn thả rông chó nơi công cộng phóng uế bừa bãi. Vì vậy, tổ săn bắt chó thả rông ra đời với mục đích phòng chống dịch bệnh chó dại và xử lý việc thả rông chó ra nơi công cộng.
Tuy nhiên, ông Thảo cho biết, hiện nay công tác bắt chó thả rông và xử phạt hành vi này là rất khó khăn. Chuyện bắt chó thả rông không chỉ trách nhiệm của Chi cục Thú y mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Chẳng hạn như trong công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia hưởng ứng để tránh việc chó thả rông cắn người, lây bệnh cho người dân hoặc chó phóng uế bừa bãi mất mỹ quan đô thị. “Vì vậy, để thực hiện được việc bắt chó thả rông không chỉ cần sự quyết tâm của Chi cục Thú y, chính quyền địa phương mà còn cần sự đồng lòng của người dân nữa để có hiệu quả cao”, ông Thảo cho biết thêm.
Nhiều người dân ủng hộ việc bắt chó thả rông để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. |
Tương tự, ông Phạm Minh Trí, Trưởng trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết, tổ săn bắt chó thả rông đã được hình thành hơn 30 năm qua và trực thuộc Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật (Chi Cục Thú y TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, việc bắt chó thả rông của đội này cũng gặp rất không ít khó khăn khi vấp phải sự phản đối từ người dân. Trước kia có nhân viên đội bắt chó bị hăm dọa, thậm chí bị hành hung khi bắt chó thả rông trên đường. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền vận động, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, ý thức người dân nuôi chó cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
“Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, hàng năm có 30.000 đến 33.000 người bị chó cắn. Việc tiêm phòng vắc xin ngừa dại tốn chi phí hàng triệu đồng do đó việc bắt chó thả rông là cần thiết và chúng tôi mong muốn người dân hợp hãy hợp tác, tự giác thực hiện. Để không phải mất chó, người dân nên tự giác chấp hành các quy định như: tiêm phòng dại cho chó, dắt chó ra đường nên rọ mõm, có dây xích...”, ông Trí cho biết thêm.
Hiện nay, việc xử lý vi phạm trong việc nuôi chó, mèo đã được giao cho các địa phương thực hiện và được nhiều quận, huyện triển khai khá tốt. Ông Lê Hoàng Hà, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết việc bắt chó, mèo thả rông đã được đơn vị triển khai từ năm 2010. Từ khi triển khai việc bắt chó thả rông, người dân cơ bản thực hiện khá tốt, không có phường nào quá phức tạp về việc để chó, mèo thả rông.
“Để kiểm soát bệnh dịch cho chó, mèo tránh lây nhiễm cho người dân, quận đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng quận cùng vận động người dân đưa vật nuôi đi chích ngừa và quản lý sức khỏe của động vật nuôi theo định kì. Mục tiêu mà quận hướng đến trong việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y là hướng đến việc làm nhân đạo, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức. Bởi việc làm này vừa đảm bảo sức khỏe cho chó mèo, người nuôi và đảm bảo sức khỏe cho cộng động, xã hội”, ông Hà cho biết thêm.