Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, tính đến ngày 9/10, diện tích lúa mùa trên địa bàn đã thu hoạch đạt 39.620 ha/76.6 ha, đạt 51,7% tổng diện tích lúa mùa đã gieo cấy; trong đó huyện Quỳnh Phụ đã thu hoạch được 6.500 ha, huyện Hưng Hà 10.000 ha, huyện Đông Hưng 7.000 ha, huyện Thái Thụy 5.700 ha, huyện Kiến Xương 3.500 ha, huyện Vũ Thư 6.500 ha, huyện Tiền Hải 230 ha và Thành phố Thái Bình 195 ha).
Diện tích cây màu Hè Thu cơ bản đã thu hoạch xong trên tổng số 9.134 ha; diện tích cây vụ Đông đã trồng 12.675 ha, đạt 35,2% kế hoạch đề ra. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 kết hợp không khí lạnh gây mưa vừa, mưa to, từ ngày 9/10 đến nay với lượng mưa đo được cao nhất tại Đông Quan (huyện Đông Hưng) là 115,3mm, tại Thụy Liên (huyện Thái Thụy) là 114,8mm.
Nhờ chủ động công tác thủy lợi, tiêu thoát nước nên đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không xảy ra hiện tượng ngập úng. Tuy nhiên, 5.900 ha lúa trong thời kỳ thu hoạch bị nghiêng, đổ nhẹ; trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Kiến Xương 2.000 ha, huyện Tiền Hải 1.800 ha, huyện Thái Thụy 950 ha, huyện Quỳnh Phụ 600 ha, huyện Đông Hưng 400 ha và huyện Vũ Thư 150 ha và 3.460 ha rau màu bị ảnh hưởng, tập trung nhiều nhất tại huyện Vũ Thư 1.150 ha, huyện Quỳnh Phụ 600 ha.
Ảnh hưởng của bão số 7, tại Thái Bình còn bị sạt lở mái đê phía trong đê cửa sông Tả Hồng Hà tại K4+200 (thuộc địa phận xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải) với chiều dài 30 m. Ngay sau khi ghi nhận sự cố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tiền Hải và xã Nam Hồng đã tiến hành xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Đến nay, điểm sạt lở này đã được khắc phục, xử lý an toàn.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, trong ngày 11/10, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm. Do vậy, vẫn có nguy cơ gãy, đổ, ngập úng đối với lúa mùa đang chín, rau màu, cây vụ đông; ngập úng các vùng trũng thấp, ao, đầm nuôi trồng thủy sản và ngập úng đô thị.