Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Vĩnh Phúc sau ngày đất nước thống nhất nên cái đói, cái nghèo vẫn len lỏi vào cuộc sống hàng ngày qua từng bữa cơm đạm bạc. Có lẽ vì vậy mà những cái Tết luôn đọng lại trong tôi những kỷ niệm khó phai.
Năm nào cũng thế, còn cách Tết cả tháng là gia đình tôi đã rậm rịch tích trữ lương thực gói bánh chưng. Bố tôi ngày ấy là phóng viên ảnh theo dõi mảng nông nghiệp nên những ngày này rất ít khi ở nhà. Vậy nên cứ vào ngày cuối tuần bố tôi lại tranh thủ đạp xe về quê ngoại tôi ở Vĩnh Tường lúc lấy ít nếp, lúc lại gom vài ống giang.
Mẹ tôi cũng chẳng kém vì phụ trách khối ngân hàng quanh năm ngày tháng bận rộn với mớ sổ sách và những con số. Do đó, mọi việc trong nhà gần như đều do chị cả tôi gánh vác từ xếp hàng để tuần mua hộp mứt, lúc thì tấm vải, mai bánh pháo đến rửa lá dong và trang trí nhà cửa.
Không giống như Hà Nội cái gì cũng sẵn, người nhà quê muốn có cái Tết tươm tất phải tự làm từ A đến Z. Những ngày giáp Tết, các chị, các bà quây quanh giếng đãi gạo, đỗ, cọ lá dong chuyện trò không dứt, cứ như là cả năm mới gặp nhau một buổi.
Chợ Tết ở quê cũng đơn giản mộc mạc như người nhà quê nên mua gì cũng dễ. Chú gà ri ăn ngô lườn vàng xộm, mớ rau hái vội ngoài vườn, lá chuối vừa bẻ trên cây để gói giò vẫn chảy nguyên nhựa. Tất cả chân tình của người nhà quê một nắng hai sương đã dồn tụ bên những chồng lá dong xanh cao ngất, lao xao tiếng nói cười hể hả, lời mời chào trong khung cảnh thân mật và thanh bình.
Nhà có ba chị em nhưng tôi là út lại là trai nên chỉ biết loanh quanh nhìn các chị tất bật làm việc nhà. Cũng bởi bé và là út cưng nên tôi được giao nhiệm vụ ngồi nhặt các hạt gạo tẻ ra khỏi đám gạo nếp để bánh chưng không bị rời rạc mà sẽ dẻo thơm hơn phần nào.
Các cụ xưa có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết” nên cả năm dù có khó khăn thiếu thốn nhưng ngày Tết, mọi nhà đều cố gắng lo toan, sắm sửa cho năm mới được đủ đầy.
Mấy chị em tôi đứa nào cũng háo hức mong chờ Tết, đếm ngược từng ngày kể từ 23 tháng Chạp để mẹ mua cá chép về cúng ông Táo lên trời. Bộ quần áo mới còn thơm nức mùi hồ cũng được mang ra thử trước, xúng xính đi khoe với bạn bè khắp xóm.
Hai chị gái tôi không nhỉnh hơn nhau bao nhiêu nên thi thoảng lại “ chí chóe” vì mặc nhầm quần áo của nhau và giành nhau cái đẹp, cái lành hơn. Mỗi lần như thế là mẹ lại phạt chị cả tôi vì tội không chịu nhường nhịn.
Tôi của những ngày con trẻ ấy cũng háo hức theo mẹ sà vào những gánh hàng hoa để mua về một bó. Thật ra, hồi ấy tôi cũng chẳng biết là hoa gì đâu, chỉ thấy hoa rất đẹp nên vớ lấy và thấy khuôn mặt mẹ tươi cười cũng khiến tôi cảm thấy mình thật có ích.
Ngày ấy, gia đình tôi sống ở khu phố ngay mặt đường mà người quanh đó hay nôm na là “phố quan”. Tuy vậy, nhưng mọi người đều biết nhau, lũ trẻ con cùng lớn lên với nhau, thân thiết gắn bó như những người trong nhà và tôi nghĩ mình may mắn vì điều ấy. Vì sao ư, vì chúng tôi có thể cùng nhau chia sẻ nhiều thứ, đặc biệt là khi Tết đến Xuân về.
Đặc biệt hơn, khi bánh chưng được xếp vào nồi là đêm ấy mấy đứa trẻ con chúng tôi được ngồi canh bánh chưng, chơi tam cúc và háo hức chờ đợi những chiếc bánh chưng con được đánh dấu gói riêng cho từng đứa.
Chỉ bấy nhiêu thôi đã khiến mấy chị em tôi và lũ trẻ hàng xóm vô cùng thích thú bởi điều này chỉ diễn ra mỗi năm một lần và 364 ngày còn lại phụ huynh không bao giờ cho phép.
Hồi ấy mùa đông lạnh lắm, lạnh đến cắt da cắt thịt, môi nẻ nứt chảy máu và cảm giác ngại mỗi khi chui ra khỏi cái chăn bông mỗi ngày. Tôi vẫn nhớ mấy chị em tôi độn rất nhiều áo đến nỗi mỗi lần đi lại chả khác nào mấy con gấu đang lạch bạch trong nhà.
Sau này, khi kinh tế phát triển, những đứa trẻ nhà quê chúng tôi cũng được hưởng những cái Tết tròn vị hơn. Các gia đình ở quê cũng khấm khá chung nhau “đụng lợn” tức là rủ nhau mổ lợn ăn Tết.
Đây cũng là dịp để các nhà sum họp ăn bữa tất niên; trong đó không thể thiếu món chả nướng, món lòng và dồi lợn nóng hổi. Còn lại, các nhà chia đều các bộ phận dù lợn to hay lợn bé, kể cả món nước luộc thịt hay còn gọi là nước xuýt.
Chị cả tôi là người tề gia nội trợ, khéo thu vén nên phần thịt được chia cũng khéo léo chia ra để chế biến thành nhiều món. Nào giò thủ mộc nhĩ giòn sần sật, thơm nồng vị hạt tiêu, bát canh măng canh nấu xương ngọt lịm cùng miếng thịt đông trong như hổ phách, úp lên đĩa sứ trắng trông như nửa quả cầu pha lê.
Một mùa xuân nữa lại về, trên khắp các nẻo đường muôn hoa đang khoe sắc. Đi trong mưa bụi xuân lất phất bay lòng tôi lại nhớ về những cái Tết đơn sơ mà ấm áp, thân thương đã đi qua năm tháng tuổi thơ tôi. Ký ức ấy đong đầy dư vị ngọt ngào đã tạo cho tôi điểm tựa vững chãi mỗi lúc mỏi mệt mưu sinh nơi đất khách. Và với riêng tôi, Tết quê thật giản dị, mộc mạc mà gần gũi, thân thương.