Thời gian này, giới điện ảnh nước nhà cũng như dư luận xôn xao câu chuyện cổ phần hóa của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Trong đó có những thông tin chưa chính xác, đặc biệt là thông tin cho rằng Hãng phim bị bán với giá “rẻ như cho”, không tương xứng với giá trị khu đất hãng đang giữ... Để làm sáng tỏ thông tin liên quan, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cũng như đại diện hãng đã gặp gỡ, trao đổi với cơ quan báo chí về vấn đề này.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Cổ phần hóa là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước để huy động nguồn lực, giúp doanh nghiệp phát triển bằng phương thức huy động vốn, tiếp cận thị trường…
Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 5 doanh nghiệp điện ảnh. Trong đó có Hãng phim Tài liệu và Khoa học tài liệu Trung ương đã được Chính phủ đồng ý không cổ phần hóa vì đặc thù, chuyển thành công ty. Còn 4 đơn vị điện ảnh khác cần được cổ phần hóa: Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải phóng, Hãng phim hoạt hình Việt Nam và Hãng phim truyện Việt Nam.
Hãng phim truyện I đã tiến hành cổ phẩn hóa từ năm 2013 và nhà nước nắm giữ phần lớn cổ phần. Hai hãng khác là Hãng phim hoạt hình Việt Nam và Hãng phim Giải phóng đến thời điểm này vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: Hãng phim truyện Việt Nam, có lịch sử 56 năm, là “cây đại thụ” của điện ảnh Việt Nam nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất thận trọng trong quá trình cổ phần hóa. Từ lâu, bộ đã kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào vực dậy hãng phim. Bộ đã đặt ra nhiều tiêu chí buộc nhà đầu tư phải cam kết thực hiện nếu muốn đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam.
Trong đó, nhà đầu tư phải cam kết: Không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm; thực hiện đầy đủ chính sách với người lao động; trả các khoản nợ tiền thuê đất mà hãng đang nợ; tuân thủ phương án sử dụng đất phục vụ sản xuất, phát triển điện ảnh; đầu tư cơ sở vật chất để làm phim. Quan trọng hơn cả là nhà đầu tư phải cam kết 90% doanh thu của đơn vị phải từ hoạt động điện ảnh…
Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Vương Đức cho biết: Rất nhiều nhà đầu tư đã đến hãng tìm hiểu việc mua cổ phần nhưng đều “một đi không trở lại”, chỉ duy nhất Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chấp nhận các cam kết mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra.
Ông Vương Đức cũng cho biết: Toàn bộ cán bộ, nhân viên của hãng đều đồng ý cổ phần hóa; 6/7 thành viên Hội đồng cổ phần hóa của hãng đã đồng ý chọn Công ty Vận tải thủy là nhà đầu tư chiến lược. Đặc biệt, không để mất thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Tên mới của Hãng sau khi cổ phần sẽ là “Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
Một vấn đề được dư luận quan tâm là khu đất số 4 Thụy Khuê nơi Hãng phim truyện Việt Nam đang tọa lạc được đánh giá là khu "đất vàng” cho nhà đầu tư. Theo ông Vương Đức, nếu nói về đất đai, hãng khá giàu có. Tuy nhiên, trên thực tế hãng không có trong tay bất cứ giấy tờ sở hữu nào về đất đai.
Khu vực số 4 Thụy Khuê có diện tích 5000 m2, hiện đang nợ tiền thuê đất và có tranh chấp, khiếu kiện. Tiếp theo là khu đất tại số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám rộng hơn 900m; ngoài ra còn có 6000 m2 đất là trường quay tại Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) và một khu tại số 6 Thái Văn Lung, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các khu đất của hãng thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và hãng thuê lại, hằng năm phải trả tiền thuê đất… và phần đất đai sẽ không được định giá khi tiến hành cổ phần hóa. Bấy lây nay, Hãng phim truyện Việt Nam được hưởng mức giá thuê ưu đãi, còn sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp phải trả tiền thuê đất ở mức giá khác.
Trên thực tế, Hãng phim truyện Việt Nam hiện có 4 lô đất, trong đó Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng khẳng định: Khu đất hiện đang nằm trong quy hoạch Khu chính trị Ba Đình nên sẽ không được phép sử dụng tùy tiện. Hơn nữa, nếu nhà đầu tư chiến lược sử dụng quỹ đất sai mục đích đã cam kết thì phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị UBND thành phố thu hồi quyền thuê đất nếu có sai phạm…