Nhiều vụ đuối nước thương tâm
Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều bãi biển, bãi tắm đẹp. Mỗi khi mùa hè đến, học sinh được nghỉ học cộng với thời tiết nắng nóng nên biển, ao, hồ, sông, suối trở thành địa điểm lý tưởng để các em vui chơi, đặc biệt là hoạt động bơi lội. Cũng từ đây, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra và thực tế cũng cho thấy tình trạng đuối nước xảy ra nhiều ở các vùng nông thôn nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối... vắng người qua lại.
Cuối tháng 2/2023, tại thôn Nam Định, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông xảy ra vụ đuối nước khiến 4 trẻ (từ 4 - 6 tuổi) tử vong khi rủ nhau tắm tại hồ chứa nước dùng để tưới cà phê gần nhà. Chiều 29/4, có 3 cháu nhỏ (là anh chị em ruột và họ hàng), đều trú ở thôn Tây Phước, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được bà đưa tới khu vực hồ chứa nước Phước Hòa thuộc thôn Tây Phước để chơi. Trong lúc vui đùa cùng diều, không may cả 3 em bị trượt chân ngã xuống hồ chứa nước Phước Hòa. Khi phát hiện các cháu bị đuối nước, người bà đã tri hô người dân cứu vớt, nhưng khi đưa được lên bờ thì cả 3 em đều đã tử vong. Gần đây nhất, chiều 5/6, tại khu vực hạ lưu sông Đà, thuộc địa bàn phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ đuối nước làm 2 bé gái tử vong.
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, Công an tỉnh Hòa Bình, khu vực xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm là nơi lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời, lực lượng chức năng đã thường xuyên sử dụng loa, phương tiện thủy để cảnh báo, yêu cầu người dân không được tắm sông vì có nhiều vực xoáy, nước chảy xiết rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vào các buổi chiều vẫn có nhiều người dân đến khu vực này để bơi lội, bất chấp sự cảnh báo của chính quyền địa phương.
Có thể thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, các vụ đuối nước trẻ em có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Ở tỉnh Thanh Hóa, trong 4 tháng đầu năm đã xảy ra 20 vụ tai nạn thương tích khiến 23 trẻ em tử vong, trong đó có 12 vụ đuối nước là 13 trẻ em tử vong.
Báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 54 vụ tai nạn thương tích, làm 16 em tử vong, trong đó có 8 vụ tai nạn đuối nước làm 14 em tử vong. Trẻ em tử vong do đuối nước chiếm 87% số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.
Gần đây, tỉnh Gia Lai thường xuyên xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân chủ yếu ở lứa tuổi học sinh. Chỉ trong 4 tháng của năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 23 vụ tai nạn đuối nước làm 31 trẻ em tử vong, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt có nhiều vụ đuối nước tập thể khiến các gia đình cùng lúc mất 2-3 người con đang độ tuổi đến trường.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 12 vụ đuối nước, làm 18 trẻ em tử vong. Tuy nhiên, sang năm 2023, chỉ trong 3 tháng đầu năm, tỉnh này đã có 8 trường hợp trẻ em thiệt mạng vì đuối nước.
Những con số đáng báo động trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ, nhất là khi một mùa hè với nhiều nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn ở phía trước.
Không chỉ học bơi, học cứu đuối đúng cũng rất quan trọng
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dù tình hình đuối nước ở trẻ em có xu hướng giảm trong thời gian qua, tuy nhiên mỗi năm nước ta vẫn có gần 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng đến an toàn và sự sống còn của trẻ.
Bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm, giảng viên bơi lội Bể bơi nước muối Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em; môi trường sống mất an toàn từ trong gia đình tới ngoài cộng đồng, điều quan trọng là nhiều trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm, kỹ năng an toàn trong môi trường nước…; nhiều địa phương còn thiếu điểm vui chơi, giải trí cho trẻ nên tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước vẫn thường xuyên xảy ra.
Theo bà Nguyễn Thu Hiền, cha mẹ nên cho trẻ đến các trung tâm dạy bơi chuyên nghiệp để trẻ được dạy các kiến thức về nhận biết môi trường nước nguy hiểm, cách xử lý tình huống khi bị chuột rút, xử lý khi bơi vào vùng nước xoáy… Hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh đã nghĩ đến việc cho con đi học bơi nhưng biết bơi thôi chưa đủ, trẻ nhất thiết phải được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước để biết bơi an toàn, biết tự cứu mình khi bị rơi xuống nước, biết thoát hiểm khi đang bơi bị đuối sức hoặc gặp các tình huống xấu, biết cứu đuối an toàn. Thực tế có nhiều trường hợp biết bơi giỏi nhưng không biết cách cứu đuối an toàn dẫn đến trường hợp tử vong cả người cứu và người bị nạn. Vì vậy, việc học cứu đuối đúng cũng vô cùng quan trọng.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần nâng cao ý thức quản lý, giám sát con thường xuyên. Người lớn không để con trẻ tự do tắm sông, biển, ao hồ mà không có người trông nom; cần thường xuyên cảnh báo trẻ về nguy cơ bị đuối nước khi tắm ở sông, suối, biển, ao, hồ…; mặc áo phao cho trẻ khi tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào.
Thực tế thời gian qua cũng cho thấy rất nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do đuối nước vì ngã vào những xô, chậu có chứa nước ngay trong ngôi hay trường học. Do đó, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ bằng cách làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước, bể bơi… trong gia đình và xung quanh môi trường sống.
Ngành giáo dục các địa phương cần tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục và có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn cũng như các dịch vụ liên quan cho học sinh...; đặc biệt chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trang bị cho các em kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước trong đời sống hằng ngày
Các cấp, các ngành, đoàn thể cần tăng cường trong việc cắm biển cảnh báo, trang bị loa truyền thanh tuyên truyền tại những khu vực nguy hiểm để trẻ biết và tránh xa; nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân, đặc biệt là trẻ em về an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường trang bị các kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người đuối nước đúng cách cho người dân để nhiều người có đủ kiến thức ứng cứu người gặp nạn khi cần thiết…
Có thể nói, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế trẻ em tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, nhà trường, gia đình.
Phòng, chống đuối nước trẻ em là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm đảm bảo quyền sống còn, an toàn sinh mạng của trẻ em, tránh được nỗi đau không gì bù đắp được đối với gia đình và xã hội. Tình trạng này chỉ có thể được đầy lùi trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.