Trong số đó, 91 hồ chứa trong tình trạng mất an toàn từ năm 2017 và 12 hồ chứa mất an toàn sau đợt kiểm tra công trình trước lũ năm 2018.
Thanh Hóa tiến hành xả lũ hồ Cửa Đạt với lưu lượng 3.600m3/s ngày 11/10/2017. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN |
Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng.
Tại huyện miền núi Như Thanh hiện có 170 công trình thuỷ lợi; trong đó, có 9 trạm bơm tưới, 83 hồ chứa, 78 đập dâng phục vụ tưới nước cho trên 6.400 ha lúa, trên 3.000 ha màu cả năm và phục vụ nước sinh hoạt cho 3.500 hộ dân trong vùng.
Tuy nhiên đa số các công trình này đã được xây dựng từ những năm 1970-1980 chủ yếu bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp và đều có chung hiện trạng như: đập đất thấp, mặt cắt đập bé, mái thượng và hạ lưu bị sạt lở nghiêm trọng, không đủ bề rộng để thoát lũ... Bên cạnh đó, các cống lấy nước không có cửa van vận hành, lòng hồ bị bồi lắng nghiêm trọng, làm mất khả năng tích nước.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Như Thanh đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp 23 công trình hồ chứa, 1 trạm bơm tưới. Riêng năm 2018, có 5 công trình hồ chứa nước gồm hồ Hố Chu (xã Cán Khê), hồ Rừng Luồng (xã Mậu Lâm), hồ Eo Lim (xã Xuân Khang), hồ Trạm Xã , hồ Tiến Tâm (xã Mậu Lâm) đang được thi công sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn trước mùa mưa lũ năm 2018.
Hiện trên địa bàn huyện Như Thanh đã có 10 công trình hồ chứa bị mất an toàn trước mùa mưa lũ; trong đó, hồ Chẩm Khê, hồ Xuân Lai 1, Xuân Lai 2, hồ Năng Nháp đang là những hồ mất an toàn sau các đợt mưa lũ năm 2017.
UBND huyện Như Thanh đang khẩn trương huy động, kêu gọi các nguồn kinh phí để đầu tư, xây dựng một số hạng mục công trình cho các hồ đập này nhằm tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như nước sinh hoạt cho các hộ dân trong vùng, đảm bảo an toàn công trình trong các đợt mưa lũ năm 2018 và những năm tiếp theo.
Ngày 5/6, trong chuyến kiểm tra an toàn các công trình hồ đập trước mùa mưa lũ năm 2018 tại huyện Như Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã yêu cầu UBND huyện Như Thanh tiếp tục rà soát lại các phương án ứng phó thiên tai đối với từng hồ đập trên địa bàn.
Các hồ đập có nguy cơ cao phải thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ; đồng thời, phải có phương án dự phòng, ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đề cao trách nhiệm của cá nhân, của chủ hồ đập để giao trách nhiệm và chịu trách nhiệm khi có vấn đề về thiên tai xảy ra.
UBND huyện Như Thanh cần đặc biệt lưu ý đến phương án di dân ở vùng hạ du. Riêng về công trình hồ chứa nước Chẩm Khê, xã Yên Thọ (huyện Như Thanh), đây là công trình được xây dựng cách đây gần 50 năm, hồ có diện tích tưới thiết kế lên tới 150 ha hiện đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đồng ý với phương án sửa chữa khẩn cấp công trình hồ chứa nước Chẩm Khê, xã Yên Thọ (huyện Như Thanh), giao cho các ngành như nông nghiệp, kế hoạch, tài chính sắp xếp nguồn kinh phí dự phòng dưới 5 tỷ để xử lý đập tràn xả lũ, đảm bảo từ nay đến hết tháng 6/2018 phải xử lý xong. Riêng hệ thống cống lấy nước dưới đập thì để hết mùa mưa lũ năm 2018 sẽ xử lý sau.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi năm 2018. Theo đó, UBND các huyện, thị xã có hồ chứa, Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc sông Mã phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra hồ, đập chứa nước trước, trong và sau mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình.
Vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa và bố trí đủ thiết bị dự phòng bảo đảm vận hành công trình trong mọi tình huống, từ đó rà soát, đánh giá quy trình. Vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được phê duyệt để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình, cảnh báo sớm cho người dân ở vùng hạ du khi xả lũ hồ chứa.