Cụ thể, Quốc lộ 15 C bị sạt taluy dương tại Km83+0 với tổng khối lượng khoảng 25m3; các tuyến đường tỉnh bị ngập đường tràn, cầu… gây tắc đường tại 4 vị trí gồm: tràn Mó Tôm Km19+300 trên đường tỉnh 523B đoạn qua xã Lương Nội, huyện Bá Thước; tràn Hang Hy trên đường tỉnh 523B đoạn qua xã Cẩm Tú, cầu Bắc Sơn trên đường tỉnh 523E qua xã Cẩm Tú, cầu Làng Trỏ trên đường tỉnh 523E đoạn qua xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy).
Mưa lớn trước và sau bão số 2 trên địa bàn huyện Thường Xuân cũng đã khiến tuyến đường tuần tra biên giới đi qua địa phương này bị sạt, bị xói lồng nứt gãy tại vị trí Km110+500 và Km132+030 thuộc xã Bát Mọt.
Mưa lũ cũng khiến các tuyến đường bị sạt taluy dương tại 12 vị trí với tổng khối lượng khoảng 7.800m3, tạm thời các phương tiện thô sơ vẫn có thể lưu thông; gây sa bồi mặt đường, rãnh tại 22 vị trí với tổng khối lượng khoảng 466 m3.
Chính quyền các địa phương đã chủ động sơ tán các hộ dân trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở cao đến nơi an toàn, trong đó huyện miền núi Bá Thước sơ tán 3 hộ với 10 khẩu tại thôn Tổ Lè, xã Văn Nho; huyện Mường Lát sơ tán 9 hộ với 45 khẩu tại xã Mường Lý, xã Tam Chung, xã Trung Lý. Mưa lũ sau bão số 2 đã khiến 121 ha cây trồng tại huyện Cẩm Thủy, Bá Thước bị ngập lụt.
Chính quyền các địa phương, các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đang tập trung các biện pháp để sớm khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Ngành Giao thông Vận tải đã phối hợp với các địa phương huy động lực lượng, phương tiện đang khẩn trương khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đường đảm bảo giao thông thông suốt.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão số 2, từ 19 giờ ngày 10/8 đến 16 giờ ngày 12/8 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến từ 50 - 80mm.