Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể, nếu phát hiện các cơ sở kinh doanh đông người sai phạm về công tác phòng cháy, chữa cháy cần chấn chỉnh, khắc phục kịp thời; nếu sai phạm nghiêm trọng phải tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Các cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy sẽ được công bố công khai để khuyến cáo người dân không sử dụng dịch vụ tại đó.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, các tình huống cháy, nổ phức tạp cho các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường như: Nhiều người mắc kẹt, cứu người trên cao, chữa cháy tại các cơ sở trong ngõ sâu mà lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khó tiếp cận… Đồng thời, tổ chức tốt công tác thường trực, sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để ứng phó kịp thời các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố; hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn khi các tình huống thiên tai, bão lũ, thảm họa khẩn cấp xảy ra.
UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo Công an cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra và yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lối lên mái, thang dây, ống tụt…); chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 862 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường; trong đó, 271 cơ sở do Công an tỉnh Thanh Hóa quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; 591 cơ sở còn lại do UBND cấp xã quản lý. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy ở các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường còn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cháy, nổ; nguy cơ gây mất an ninh trật tự, phát sinh tội phạm hình sự, nhất là sử dụng chất ma túy tổng hợp để bay lắc...