Theo ông Hà Tất Thắng, Sở LĐTBXH Hà Nội thông tin qua kiểm tra một số trung tâm huấn luyện có hiện tượng không tổ chức huấn luyện nhưng vẫn cấp chứng chỉ. Đối chiếu với Luật An toàn, Vệ sinh lao động, thanh tra Sở LĐTBXH tiến hành xử phạt, sau đó báo cáo Cục An toàn để rút giấy phép.
Hội nghị phổ biến Luật An toàn, Vệ sinh lao động |
Theo thống kê, cả nước có khoảng 200 trung tâm huấn luyện an toàn lao động và 100 trung tâm kiểm định thiết bị. “Tuy nhiên, qua phản ánh, nhiều trung tâm chỉ có danh nghĩa, không có thực, không tổ chức huấn luyện nhưng vẫn cấp phép. Điều này tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động”, ông Hà Tất Thắng cho biết.
Để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về an toàn lao động, Cục An toàn lao động đề xuất thành lập thanh tra thuộc Cục, đồng thời kiến nghị thành lập Chi cục an toàn lao động tại các địa phương.
Tại Hội nghị tập huấn, ông Hà Tất Thắng cho biết: Điểm nổi bật của Luật An toàn, Vệ sinh lao động chú trọng công tác phòng ngừa. Trong đó, có trích ra 10% từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) để phục vụ công tác huấn luyện, tuyên truyền phòng ngừa tai nạn lao động. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội, Quỹ BHTNLĐ, BNN, quỹ tồn dư hơn 4.500 tỷ đồng.
“Do đó, với 10% quỹ tương đương hơn 400 tỷ đồng dành cho công tác huấn luyện, tuyên truyền, khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí này sẽ được chuyển cho các tỉnh để triển khai. Do đó, muốn được giải ngân, Sở LĐTBXH các tỉnh phải lập kế hoạch, có thống kê cụ thể đối tượng và mục tiêu tuyền truyền; trước mắt ưu tiên các đối tượng chính sách, vùng sâu vùng xa, ngành nghề có nguy cơ mất an toàn lao động...”, ông Hà Tất Thắng cho biết.